Tổng mức đầu tư ngành xi măng Việt Nam khoảng 20 tỷ USD

Tổng mức đầu tư ngành xi măng Việt Nam ước tính theo giá trị hiện lên đến 500.000 tỷ đồng (tương đương 20 tỷ USD), với tổng công suất đạt 122 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất vượt số này nhờ tăng tỷ lệ phụ gia.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) Nguyễn Quang Cung tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, sáng 15/6.

Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) Nguyễn Quang Cung tại Hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng, sáng 15/6.

Ngành xi măng với quy mô công suất vượt 120 triệu tấn/năm, nhưng có thể sản xuất vượt 130-140 triệu tấn/năm đang ở trong thế khó chưa từng thấy, khi cung lớn mà nhu cầu tiêu dùng trong nước lẫn xuất khẩu đều thu hẹp.

Các doanh nghiệp buộc phải sản xuất cầm chừng, doanh thu sụt giảm thê thảm, nhiều nhà máy đã phải tạm dừng sản xuất và tăng nguy cơ phá sản của nhiều doanh nghiêp.

Sản lượng sản xuất xi măng và clinker cả năm 2023 chỉ đạt 92,9 triệu tấn, dây chuyền hoạt động trung bình toàn ngành chỉ đạt 75% tổng công suất thiết kế. Tổng sản lượng tiêu thụ năm 2023 đạt 87,8 triệu tấn, bằng 88% so với năm 2022.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch VNCA cho hay: "Ngành xi măng đang gặp khó khăn rất lớn trong sản xuất và tiêu thụ, có nguy cơ đẩy nhiều doanh nghiệp đến mức phá sản hoặc bán một phần nhà máy, đang cần có các giải pháp hỗ trợ để đỡ khó khăn".

Thị trường bất động sản năm qua trầm lắng, ít dự án mới, phân khúc xây dựng dân sinh cũng kém sôi động... là những nguyên nhân khiến tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa đạt chưa nổi 60 triệu tấn.

Tiêu thụ xi măng trong nước và xuất khẩu sụt giảm khiến tồn kho xi măng tăng lên, không ít nhà máy xi măng phải giảm công suất hoặc dừng lò nung để hạn chế đổ clinker ra bãi, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất.

Bộ Xây dựng lý giải, trong năm 2023, nhiều dự án, công trình chậm triển khai, giãn tiến độ. Nguồn cung bất động sản theo báo cáo tiếp tục hạn chế tại tất cả các phân khúc, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hết sức khó khăn, tiêu thụ sản phẩm chậm, tồn kho tăng cao, phải dừng nhiều dây chuyền sản xuất.

Kết quả chung đều không đạt kế hoạch và giảm so với năm 2022, nhất là chỉ tiêu lợi nhuận bị giảm sâu, khối sản xuất, kinh doanh vật liệu bị thua lỗ.

Sản xuất kinh doanh xi măng từ đầu năm đến nay cũng chưa sáng hơn.

Ghi nhận trong quý I/2024, hàng loạt doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ. Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên ghi nhận doanh thu quý đầu năm 2024 giảm gần 12% so với cùng kỳ năm trước, xuống còn 1.495 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ xi măng trong quý giảm; công ty lỗ sau thuế gần 25 tỷ đồng.

Xi măng Bỉm Sơn đạt doanh thu thuần quý I/2024 chỉ 690 tỷ đồng, giảm 18,6% so với cùng kỳ năm 2023 và lỗ sau thuế gần 50 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lỗ 48,6 tỷ đồng. Đây là quý thua lỗ thứ 7 liên tiếp của doanh nghiệp kể từ quý III/2022.

Xi măng Vicem Bút Sơn lỗ hơn 55 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 6 liên tiếp.

Trước khó khăn của ngành, Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ ngành có liên quan về việc "Báo cáo tình hình ngành Xi măng Việt Nam năm 2023, các khó khăn và kiến nghị".

Gần đây nhất, ngày 14/5, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng đã có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ kiến nghị nội dung sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%. Theo Hiệp hội Xi măng Việt Nam, clinker xi măng không phải là tài nguyên khoáng sản, trước mắt khi chưa bãi bỏ thì giữ nguyên mức thuế suất xuất khẩu 5% với clinker.

VNCA cũng đề nghị Thủ tướng chỉ đạo các ngân hàng giãn nợ, giảm lãi suất cho các doanh nghiệp xi măng, và không khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào dự án xi măng tại Việt Nam.

Tại Hội nghị trực tuyến về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng sáng 15/6, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá những năm gần đây, hoạt động sản xuất xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng suy giảm do tác động của nhiều yếu tố bất lợi cùng với việc thị trường bất động sản chưa phục hồi.
Trước những khó khăn kéo dài, chưa có giải pháp đột phá để khắc phục, lãnh đạo Chính phủ đã yêu cầu các cơ quan liên quan tổ chức hội nghị để đánh giá, xem xét nguyên nhân, tìm giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc nhằm thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng trong thời gian tới.

"Đặc biệt là đẩy mạnh cung cấp cho các Dự án đầu tư công, nhà ở xã hội, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và các công trình quan trọng khác", Thủ tướng nhấn mạnh.

Thế Hải

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tong-muc-dau-tu-nganh-xi-mang-viet-nam-khoang-20-ty-usd-d217730.html