Tổng Tham mưu quân đội Myanmar đến Nga dự hội nghị an ninh
Thống tướng Min Aung Hlaing đã bay đến Nga để tham dự Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow, chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông từ khi nắm quyền sau chính biến.
Hãng AFP đưa tin Thống tướng Min Aung Hlaing – người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar – ngày 20-6 đã bay đến thủ đô Moscow, Nga, để tham dự một hội nghị an ninh.
Đây là chuyến công du nước ngoài thứ hai của ông Hlaing kể từ khi nắm quyền sau chính biến ngày 1-2.
Theo đài truyền hình quốc gia Myanmar MRTV, ông Hlaing ngày 20-6 đã rời thủ đô Naypyidaw trên một chuyến bay đặc biệt để tham dự Hội nghị An ninh Quốc tế Moscow, dự kiến được tổ chức từ ngày 22-6 đến ngày 24-6.
MRTV cho biết ông Hlaing tham dự theo "lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Nga", cũng như đã được đại sứ Nga tại Myanmar chào đón tại sân bay.
Tuy nhiên, MRTV không nêu chi tiết về thời gian ông Hlaing dự kiến sẽ ở lại Nga, được cho là một đồng minh và nhà cung cấp vũ khí lớn cho quân đội Myanmar.
Đại sứ quán Myanmar tại Nga sau đó đã xác nhận chuyến thăm của ông Hlaing với hãng thông tấn nhà nước Nga RIA Novosti.
"Thống tướng đã đến Moscow" - RIA Novosti dẫn lời người phát ngôn của Đại sứ quán Myanmar tại Nga thông báo.
Kể từ khi lên nắm quyền, ông Hlaing chỉ ra nước ngoài để tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) về tình hình Myanmar do Indonesia tổ chức vào cuối tháng 4.
Chuyến thăm của ông Hlaing diễn ra sau khi Đại hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 18-6 kêu gọi ngừng vận chuyển vũ khí cho Myanmar, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự tôn trọng kết quả bầu cử hồi tháng 11-2020 và trả tự do cho những người bị giam giữ, bao gồm Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi.
Theo hãng tin Reuters, nghị quyết được thông qua với sự ủng hộ của 119 quốc gia. Belarus là quốc gia duy nhất phản đối nghị quyết này, bên cạnh 36 phiếu trắng, trong đó có Trung Quốc và Nga.
Nghị quyết - không đi xa đến mức kêu gọi cấm vận vũ khí toàn cầu - cũng yêu cầu chính quyền quân sự Myanmar "ngay lập tức ngừng mọi hành động bạo lực đối với những người biểu tình ôn hòa" và “chấm dứt các hạn chế trên internet và phương tiện truyền thông xã hội”.
Đại hội đồng kêu gọi Myanmar nhanh chóng thực hiện đồng thuận năm điểm mà chính quyền quân sự đã thiết lập với các quốc gia thành viên ASEAN hồi tháng 4 nhằm ngăn chặn bạo lực và bắt đầu đối thoại.
Theo Reuters, một số quốc gia bỏ phiếu trắng cho rằng cuộc khủng hoảng là vấn đề nội bộ của Myanmar, trong khi một số quốc gia khác không nghĩ rằng giải pháp này sẽ hữu ích, cũng như có quan điểm cho rằng nghị quyết này không giúp giải quyết thỏa đáng hoàn cảnh của người Hồi giáo Rohingya.
Trước đó, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres đã thúc đẩy Đại hội đồng hành động, nói rằng: “Chúng ta không thể sống trong một thế giới mà các cuộc chính biến quân sự trở thành một chuẩn mực. Đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được”.
Theo Hiệp hội Hỗ trợ Tù nhân Chính trị (AAPP), hơn 870 người tại Myanmar đã thiệt mạng kể từ cuộc chính biến. Phía quân đội Myanmar cho biết con số này thấp hơn nhiều.