Tổng thiệt hại vụ tắc kênh đào Suez có thể lên tới 1 tỷ USD
Cơ quan quản lý kênh đào Suez thuộc sở hữu nhà nước của Ai Cập nói tổng thiệt hại vụ tàu chở hàng Ever Given mắc cạn khiến giao thông qua kênh tắc nghẽn trong sáu ngày có thể lên tới 1 tỷ USD.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục tính toán, đếm tất cả các khoản tiền mà chúng tôi đã sử dụng kể từ ngày đầu tiên xảy ra sự cố, chi phí sử dụng tàu kéo và tàu nạo vét, hoạt động suốt ngày đêm", Giám đốc quản lý kênh đào Suez, Osama Rabia nói với kênh tin tức Ai Cập Sada el -Balad TV hôm 31/3. "Đây là một số tiền đáng kể ... 1 tỷ USD hoặc đại loại như thế."
Ngoài ra, ông Rabia trước đây đã tuyên bố vụ ách tắc giao thông kênh đào Suez đã khiến chính phủ Ai Cập phải thiệt hại 14 triệu USD tiền phí cầu đường mỗi ngày.
Hiện tại, con tàu Ever Given mang cờ Panama do Nhật Bản sở hữu, nhưng do Đài Loan điều hành, đã được kéo đến Hồ Great Bitter, nối vơícon kênh đào Suez thông ra Địa Trung Hải và Biển Đỏ. Tàu Ever Given sẽ ở lại đó cho đến khi hoàn tất cuộc điều tra hoàn chỉnh về vụ việc, bao gồm cả việc kiểm tra an toàn thân tàu. Nó đang trên đường đi từ Trung Quốc đến Hà Lan trước khi xảy ra sự cố.
Ông Rabia cho biết thủy thủ đoàn của Ever Given vẫn chưa chuyển hộp đen của con tàu và các tài liệu khác cho Cairo như một phần của cuộc điều tra.
Ever Given đã bị mắc cạn ở kênh đào Suez vào ngày 23 tháng 3. Dài hơn so với chiều ngang của con kênh, thân tàu khổng lồ bị kẹt hoàn toàn, khiến hàng trăm tàu khác dồn lại ở hai đầu kênh. Mặc dù người ta ước tính rằng tình trạng ách tức thời sẽ mất từ ba đến sáu ngày để giải tỏa hoàn toàn, vận chuyển toàn cầu có thể mất sáu tháng để trở lại bình thường. Khi con kênh bị chặn, nhiều thuyền trưởng đã phải tìm các tuyến đường khác, như tiến về phía nam đi qua Mũi Hảo Vọng ở Nam Phi, như các con tàu đã từng làm trước khi con kênh đào Suez khai trương vào năm 1869, trong khi các tuyến đường bộ xuyên châu Á chứng kiến sự gia tăng rõ rệt về mật độ giao thông.
Kênh được xây dựng từ năm 1859 đến năm 1869, được tài trợ bởi chính phủ Pháp và Ai Cập. Trong số 1,5 triệu lao động Ai Cập đào kênh, ước tính khoảng 120.000 người đã chết. Cairo mất toàn bộ quyền kiểm soát kênh đào sau khi chính phủ Ai Cập mắc nợ nhiều buộc phải bán cổ phần của công ty chủ quản cho Vương quốc Anh vào năm 1875, nhưng vào năm 1956, khi hợp đồng thuê 99 năm hết hạn, Tổng thống Ai Cập Gamel Abd al-Nasser đã quốc hữu hóa kênh đào. Một lực lượng liên hợp Anh-Pháp-Israel sau đó đã tạm thời xâm chiếm và chiếm đóng khu vực kênh đào, đóng cửa nó trong gần một năm trước khi áp lực của Mỹ và Liên Xô buộc họ phải rút lui.