Tổng thống Biden dừng tranh cử: Bà Harris có mặc nhiên được đề cử từ đảng Dân chủ?

Với việc Tổng thống Mỹ Joe Biden dừng tranh cử, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trở thành ứng viên hàng đầu để đảng Dân chủ cân nhắc đề cử đại diện đảng tham gia cuộc đua tổng thống, nhưng con đường này không đơn giản.

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trở thành ứng viên hàng đầu cho vị trí đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc đua tổng thống cuối năm nay, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo ngừng chiến dịch tái tranh cử.

Sau khi ông Biden dừng tranh cử và tuyên bố ủng hộ bà Harris, nữ phó tổng thống cho biết bà mong muốn nhận tấm vé đề cử của đảng Dân chủ và cam kết sẽ dùng mọi khả năng để đoàn kết đất nước.

Bà Harris và con đường nhận đề cử từ đảng Dân chủ

Dù ông Biden tuyên bố ủng hộ bà Harris, tuy nhiên tuyên bố này không đồng nghĩa việc bà Harris sẽ mặc nhiên nhận được đề cử từ đảng Dân chủ để đại diện đảng tham gia cuộc bầu cử tổng thống cuối năm nay.

Quyết định này sẽ được các đại biểu đảng Dân chủ công bố vào dịp Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 19-8.

 Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris. Ảnh: REUTERS

Năm nay đảng Dân chủ dự kiến sẽ có khoảng 4.672 đại biểu, gồm 3.933 đại biểu cam kết và 739 siêu đại biểu (gồm các lãnh đạo cấp cao của đảng, các quan chức đã được bầu của đảng, các cựu tổng thống, cựu phó tổng thống, nhóm này không bỏ phiếu trong bầu cử sơ bộ).

Trong các cuộc bầu cử sơ bộ, Tổng thống Biden đã nhận được sự ủng hộ của 3.896 đại biểu. Dù ông Biden đã công khai ủng hộ bà Harris sau khi thông báo mình sẽ ngừng tranh cử nhưng các quy tắc hiện tại của đảng Dân chủ không cho phép ông Biden chuyển giao số đại biểu này cho cấp phó của ông.

Như vậy, các đại biểu ủng hộ ông Biden giờ đây đã trở thành “đại biểu tự do” và bà Harris phải thuyết phục các đại biểu này ủng hộ bà.

Chân dung người khả năng là nữ tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ

Nữ phó tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ, người nhiều khả năng sẽ là ứng viên tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới và không loại trừ khả năng trở thành nữ tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ là người thế nào?

Bà Harris sinh năm 1964 tại bang California, cha là một giáo sư kinh tế gốc Jamaica và mẹ là một nhà nghiên cứu về bệnh ung thư. Mẹ bà di cư đến từ Ấn Độ đến Mỹ vào năm 1960, theo đài CBS News.

Sau khi cha mẹ bà ly hôn, bà Harris và mẹ chuyển đến Canada.

Nữ chính trị gia này xuất thân từ ngành luật. Bà tốt nghiệp cử nhân tại ĐH Howard năm 1986 và nhận bằng luật tại trường Luật Hastings thuộc ĐH California vào năm 1989.

Năm 2014, bà kết hôn với luật sư Doug Emhoff rồi chuyển đến sinh sống tại TP Brentwood (California).

Chồng bà Harris là người Do Thái và đã đóng vai trò trong chính quyền ông Biden liên quan việc chống chủ nghĩa bài Do Thái.

 Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: GETTY IMAGES

Phó Tổng thống Kamala Harris. Ảnh: GETTY IMAGES

Bà Harris bắt đầu sự nghiệp thực thi pháp luật với vai trò công tố viên tại văn phòng luật sư quận Alameda. Từ năm 1990 đến năm 1998, bà truy tố nhiều vụ giết người, hiếp dâm, ma túy,...

Năm 2003, bà Harris được bầu làm chưởng lý quận San Francisco và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.

Năm 2010, bà Harris đánh bại ứng cử viên đảng Cộng hòa Steve Cooley và trở thành tổng chưởng lý bang California. Bà cũng là người phụ nữ đầu tiên và là người da đen đầu tiên đảm nhiệm chức vụ này.

Với tư cách là tổng chưởng lý, bà Harris đã đưa ra nhiều chính sách tiến bộ như cho phép những người lần đầu phạm tội phi bạo lực được miễn trừ các cáo buộc nếu hoàn thành khóa đào tạo nghề, đấu tranh cho hôn nhân đồng giới,...

Con đường chính trị của bà Harris bắt đầu vào năm 2016 khi bà tham gia cuộc đua vào Thượng viện Mỹ và trở thành thượng nghị sĩ bang California.

Đến năm 2019, bà Harris bắt đầu chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Từ đầu chiến dịch, nữ chính trị gia đã gây ấn tượng khi thu hút khoảng 20.000 người tham gia một cuộc vận động tranh cử ở TP Oakland (California). Chỉ trong 24 giờ vận động tranh cử, bà đã gây quỹ được 1,5 triệu USD.

Nhưng chiến dịch của bà đã dần dần chững lại. Tờ The Times vào tháng 3-2019 nhận định rằng điểm yếu trong chiến dịch của bà Harris ở chỗ nữ chính trị gia này không đưa ra được lý lẽ thuyết phục cho chiến dịch ngoài trừ xuất thân công tố viên và lời lẽ chỉ trích với Tổng thống và ứng viên Cộng hòa khi đó là ông Donald Trump.

Vào tháng 12-2019, bà Harris thông báo dừng chiến dịch và ủng hộ ông Biden. Tháng 8-2020, ông Biden chọn bà Harris làm phó tướng, đưa bà trở thành phụ nữ da đen đầu tiên được chọn làm ứng cử viên phó tổng thống cho một đảng lớn.

Bà cũng là người Nam Á đầu tiên và là người phụ nữ thứ ba được đề cử làm ứng cử viên phó tổng thống.

Cựu thượng nghị sĩ bang California tiếp tục làm nên lịch sử khi được bầu làm phó tổng thống, trở thành người phụ nữ đầu tiên, người Mỹ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên giữ chức vụ này.

Với tư cách là phó tổng thống, bà Harris đảm nhiệm nhiệm vụ giám sát các vấn đề khó khăn của đất nước bao gồm di cư ở biên giới phía nam, quyền bỏ phiếu và quyền phá thai. Bà luôn hiện diện trên đường vận động tranh cử, thường xuyên cảnh báo cử tri về tác động một tổng thống Cộng hòa có thể gây ra đối với quyền phá thai.

Các cuộc thăm dò nói gì về bà Kamala Harris?

Các cuộc thăm dò cho thấy tỉ lệ ủng hộ với bà Harris chỉ nhỉnh hơn một chút so với ông Biden và vẫn thấp hơn so với ông Trump.

Trong cuộc thăm dò toàn quốc mới nhất của NBC News, được thực hiện hơn một tuần sau màn tranh luận của ông Biden trước ông Trump, cả Tổng thống Biden và bà Harris đều kém ông Trump. Cụ thể, hơn 43% người được hỏi ủng hộ ông Biden, 45% ủng hộ bà Harris trong khi 47% cho biết họ ủng hộ ông Trump.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-thong-biden-dung-tranh-cu-ba-harris-co-mac-nhien-duoc-de-cu-tu-dang-dan-chu-post801554.html