Tổng thống Biden khó xử hơn với Trung Đông sau vụ ba lính Mỹ thiệt mạng
Việc ba lính Mỹ thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ngày 28/1 có thể buộc Mỹ phải dấn sâu hơn vào cuộc xung đột ở Trung Đông. Điều này cho thấy thỏa thuận để các con tin vẫn còn ở Dải Gaza được thả và dừng cuộc xung đột giữa Israel và Hamas càng trở nên cấp bách hơn.
Sự đan xen của các sự kiện, bao gồm cuộc đàm phán về con tin diễn ra ở Pháp và Mỹ phải xử lý vụ ba lính thiệt mạng trong vụ tấn công ở Jordan, tạo nên một trong những thời điểm căng thẳng nhất kể từ khi cuộc xung đột giữa Israel và Hamas bùng phát.
Giờ đây, các lãnh đạo ở Washington và Trung Đông đang tính toán những lựa chọn có thể thay đổi đáng kể tình hình, ảnh hưởng đến hàng ngàn người dân và tương lai của khu vực.
Tuyên bố sẽ đáp trả vụ tấn công “vào thời điểm và theo cách thức do chúng tôi lựa chọn”, Tổng thống Mỹ Joe Biden giờ đang đối diện với lựa chọn khó khăn, có thể gây ra những tác động ở cả khu vực và trong nước, khi ông đang phải xoay xở với chiến dịch tái tranh cử khó khăn.
Tại Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu chịu áp lực lớn phải tìm ra cách đưa hơn 100 con tin còn lại ở Dải Gaza trở về. Điều này có thể đòi hỏi Israel phải dừng chiến dịch tấn công Hamas.
Còn Tehran phải đánh giá xem chiến lược hành động thông qua các nhóm đại diện ở khu vực có dẫn đến cuộc chiến trực diện với Mỹ hay không.
Cách ứng xử của mỗi bên trong những ngày tới có thể thay đổi đáng kể quỹ đạo cuộc xung đột Israel – Hamas và tình hình Trung Đông nói chung. Những vấn đề này trở thành chủ đề của cuộc bàn bạc kéo dài nhiều giờ trong Phòng Tình huống của Nhà Trắng và trao đổi cấp cao giữa các lãnh đạo.
“Đây là sự leo thang nguy hiểm. Chúng tôi đang cố gắng bảo đảm cuộc xung đột này không leo thang. Tình hình hiện nay đang tiến gần hơn đến điểm đó”, Nghị sĩ Adam Smith, thành viên hàng đầu của đảng Dân chủ trong Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, nói về cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Jordan, khiến hơn 30 quân nhân Mỹ thương vong.
“Điều cấp thiết là Mỹ phải đáp trả và tìm cách dừng những cuộc tấn công này, và tôi biết tổng thống đang làm việc theo hướng đó”, ông Smith cho biết.
Nghị sĩ này nói rằng nguy cơ mở rộng xung đột sẽ không tách khỏi tình hình ở Dải Gaza, nơi chiến dịch tấn công của quân đội Israel đã khiến hơn 26.000 người Palestine thiệt mạng và châm ngòi cho sự gia tăng bạo lực ở khu vực.
“Điều xảy ra ở Dải Gaza rất quan trọng. Cuộc xung đột ở Dải Gaza đang trao quyền cho Iran. Điều đó rất tệ với chúng tôi, tệ với Israel, tệ với các nước Ả-rập và tệ với thế giới. Điều cần thiết là phải tìm ra giải pháp”, ông Smith nói.
Chưa rõ Mỹ sẽ đáp trả như thế nào. Nhà Trắng vẫn muốn ngăn cuộc xung đột mở rộng, đồng thời cũng muốn tránh can dự trực tiếp vào một cuộc chiến tranh khu vực với Iran.
Trong khi đó, Tổng thống Biden chịu sức ép phải gia tăng chiến dịch tấn công đáp trả. Ngày 28/1, phe Cộng hòa kêu gọi ông Biden tấn công các mục tiêu trong đất Iran, cáo buộc Tehran đứng sau các nhóm tấn công lực lượng Mỹ ở Iraq và Syria.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham thúc giục chính quyền “tấn công các mục tiêu quan trọng bên trong Iran, không chỉ để trả đũa việc giết hại binh lính của chúng ta mà còn để răn đe. Điều duy nhất mà chính quyền Iran hiểu chỉ là bạo lực”.
Thượng nghị sĩ John Cornyn viết trên mạng xã hội X: “Tấn công Iran đi!”
Kỳ vọng vào thỏa thuận
Đối với Tổng thống Biden, cách ông xử lý cuộc xung đột ở Dải Gaza vốn đã gây phẫn nộ trong một bộ phận cử tri, nên cách ông phản ứng với vụ tấn công lần này cũng sẽ gây tác động chính trị.
Các quan chức Mỹ cho biết đã sử dụng kênh hậu trường để chuyển tải đến Iran và lực lượng đại diện rằng họ phải dừng tấn công lực lượng Mỹ. Tuy nhiên, nỗ lực đó có vẻ không thể ngăn chặn việc tấn công. Các quan chức Nhà Trắng từ lâu đã lo rằng sẽ có thương vong với binh lính Mỹ.
Khi nỗi lo đó trở thành sự thật, các quan chức cho biết Tổng thống Biden quyết tâm đáp trả mạnh mẽ.
Trong khi đó, các quan chức Mỹ vẫn hy vọng tiến gần một thỏa thuận thả con tin để dừng chiến sự ở Dải Gaza, từ đó giảm bớt căng thẳng ở khu vực.
Ông Biden cử Giám đốc CIA Bill Burns đến Paris để dự cuộc đàm phán ngày 28/1. Nội dung đang được bàn tới là thả các con tin còn lại theo nhiều đợt để đổi lấy việc Israel ngừng bắn trong 2 tháng. Nếu các bên đồng ý, thỏa thuận này sẽ có tác động đáng kể lên tình hình khu vực.
Sau đó, văn phòng thủ tướng Israel cho biết các cuộc đàm phán “mang tính xây dựng”, nhưng “vẫn còn khoảng cách đáng kể”. Các bên sẽ “tiếp tục thảo luận tại các cuộc họp tiếp theo trong tuần này”.
Cuộc họp ngày 28/1, với sự tham dự của ông Burns, các quan chức tình báo Israel, Ai Cập và thủ tướng Qatar, là sự kiện quan trọng để các bên tiến gần một thỏa thuận.
Các quan chức Mỹ cho biết, họ lạc quan một cách thận trọng rằng tiến trình đàm phán đang đi đúng hướng và có thể sớm đạt được thỏa thuận. Sau cái chết của 3 lính Mỹ, các quan chức ở Washington cho biết một thỏa thuận giảm căng thẳng càng trở nên cấp bách hơn.