Tổng thống Biden lần đầu phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Ngày 21/9, Tổng thống Joe Biden đã có bài phát biểu đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kể từ khi trở thành người lãnh đạo nước Mỹ.

Tổng thống Joe Biden xuất hiện trong cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc giữa những kỳ vọng về thông điệp "Nước Mỹ trở lại", sau 4 năm thời ông Donald Trump, người theo đuổi chính sách biệt lập và đánh giá thấp các thể chế đa phương.

Dù vậy, chờ đón ông Biden còn là rạn nứt trong quan hệ với Pháp và hoài nghi về cam kết của Mỹ đối với chủ nghĩa đa phương, nhất là sau quyết định rút lui ở Afghanistan và thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân công bố trong khuôn khổ liên minh quân sự AUKUS với Anh và Australia.

Trước đó, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres bày tỏ lo ngại rằng cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngăn cản nỗ lực giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Trong bài phát biểu trước Đại hội đồng vào ngày 21/9, ông Biden cho biết Mỹ đã chuyển hướng sự chú ý tới các khu vực khác trên thế giới, trong đó có Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ông Biden tuyên bố Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh, đối tác, sử dụng các cơ chế đa phương để ứng phó với các thách thức hiện nay.

Trở lại vị thế lãnh đạo

Tổng thống Biden nhấn mạnh cam kết của nước Mỹ với chủ nghĩa đa phương, tuyên bố nước Mỹ đang giành lại vai trò lãnh đạo thế giới trong nhiều vấn đề toàn cầu, như biến đổi khí hậu, y tế toàn cầu và giảm thiểu tác động của dịch bệnh.

Theo đó, Mỹ sẽ phối hợp với các đồng minh, đối tác, sử dụng các cơ chế đa phương để ứng phó với các thách thức hiện nay.

"Chúng tôi đã trở lại các diễn đàn quốc tế, đặc biệt là Liên Hợp Quốc, tập trung sự chú ý và dẫn dắt các hành động toàn cầu trong các thách thức chung", ông Biden phát biểu.

Tổng thống Biden trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Biden trong bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 21/9. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Biden nhấn mạnh tầm quan trọng của các liên minh truyền thống với NATO, EU, cũng như quan hệ đối tác với Bộ Tứ, ASEAN, và Liên minh châu Phi, nhằm giải quyết các thách thức hiện nay.

"Chúng tôi đã tái gia nhập Tổ chức Y tế Thế giới, phối hợp chặt chẽ với sáng kiến Covax để cung cấp vaccine giúp bảo vệ mạng sống người dân khắp thế giới. Chúng tôi đã tái gia nhập thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, chúng tôi sẽ chạy đua lấy lại ghế tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc vào năm tới", ông Biden nói.

"Trong bối cảnh nước Mỹ tập hợp thế giới cùng hành động, chúng tôi sẽ đi đầu không chỉ bằng sức mạnh mà còn bằng thiện chí, dùng hành động để làm gương", ông Biden nói.

Tổng thống Biden cho biết Mỹ sẽ kiên quyết bảo vệ lợi ích sống còn của mình cũng như các đồng minh. Tuy nhiên, ông Biden khẳng định sức mạnh quân sự của Mỹ chỉ là "phương án cuối cùng" và "không thể được coi là câu trả lời cho mọi vấn đề trên thế giới".

"Mỹ sẽ sử dụng vũ lực khi cần thiết để bảo vệ những lợi ích quốc gia sống còn khi các nhiệm vụ quân sự có mục tiêu rõ ràng và có thể đạt được", ông Biden tuyên bố.

Trong đoạn phát biểu được cho là nhằm đến Trung Quốc (nhưng không gọi thẳng tên), ông Biden khẳng định tất cả các cường quốc trên thế giới có nghĩa vụ điều chỉnh các quan hệ quốc tế thận trọng, để không biến các mối quan hệ cạnh tranh trở thành xung đột. Tuy nhiên, nước Mỹ không tìm kiếm một "Chiến tranh Lạnh" mới.

"Theo quan điểm của tôi, tất cả các cường quốc có nghĩa vụ điều chỉnh các mối quan hệ thận trọng, không để cạnh tranh biến thành xung đột", Tổng thống Biden nói. "Mỹ sẽ ra mặt vì các đồng minh và đối tác chống lại âm mưu của các nước lớn chèn ép các nước nhỏ hơn, nhằm thay đổi nguyên trạng lãnh thổ thông qua vũ lực, chèn ép kinh tế", Tổng thống Biden phát biểu.

Tổng thống Biden cũng cho biết nước Mỹ đang "củng cố cơ sở hạ tầng thiết yếu chống lại các đòn tấn công mạng". "Chúng tôi sẽ theo đuổi các quy tắc mới về thương mại toàn cầu và phát triển kinh tế. Chúng tôi sẽ cố gắng cân bằng luật chơi để nó không còn tạo ra lợi thế cho một nước trong khi khiến nước khác chịu thiệt hại", ông Biden nói, ám chỉ Trung Quốc đang tận dụng các quy định của WTO để trục lợi.

"Bóng phủ" từ Afghanistan

Bài phát biểu tại Đại hội đồng cũng diễn ra trong lúc Mỹ chịu sức ép quốc tế sau khi rút quân khỏi Afghanistan, dẫn đến việc Taliban lên nắm quyền và tạo ra dòng người tị nạn tìm cách rời khỏi nước này. Tổng thống Biden bảo vệ quyết định rút quân trong hỗn loạn của Mỹ ở Afghanistan. Người đứng đầu Nhà Trắng nói rằng đây là bước đi cần thiết trong chính sách xoay trục của Mỹ, nhằm tập trung vào những thách thức toàn cầu từ các đối thủ ý thức hệ, đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu.

"Chúng ta đã chấm dứt cuộc xung đột 20 năm ở Afghanistan, chúng ta khép lại kỷ nguyên chiến tranh bất tận và mở ra một kỷ nguyên mới của ngoại giao không ngừng nghỉ", ông Biden nói.

 Bài phát biểu của ông Biden được kỳ vọng là tuyên bố trở lại của nước Mỹ ở các diễn đàn đa phương sau 4 năm của ông Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Bài phát biểu của ông Biden được kỳ vọng là tuyên bố trở lại của nước Mỹ ở các diễn đàn đa phương sau 4 năm của ông Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Về vấn đề vũ khí hạt nhân, Tổng thống Biden khẳng định quyết tâm ngăn cản Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Ông Biden cũng cho biết Washington nghiêm túc theo đuổi chính sách ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Biden cho biết nước Mỹ sẽ duy trì cảnh giác cao độ trước nguy cơ chủ nghĩa khủng bố toàn cầu cũng như trong nước.

"Những kẻ gây ra tội ác khủng bố sẽ tiếp tục là kẻ thù của nước Mỹ. Thế giới hôm nay không còn là thế giới của năm 2001. Hôm nay, nước Mỹ được trang bị tốt hơn để phát hiện và ngăn chặn đe dọa khủng bố", ông Biden nói.

Ông Biden cho biết Mỹ sẽ phối hợp với các đối tác để giảm thiểu nhu cầu triển khai quân sự ở quy mô lớn trong cuộc chiến chống khủng bố.

Đối với cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện tại, ông Biden cho biết Mỹ đã viện trợ hàng trăm triệu liều vaccine Covid-19 tới hơn 100 quốc gia. Viện trợ của Mỹ không đi kèm bất cứ điều kiện nào.

"Trong số này 130 triệu liều vaccine trích từ nguồn cung của chính chúng tôi, cùng những lô đầu tiên của gói 500 triệu liều vaccine Pfizer Mỹ mua để quyên góp thông qua Covax", ông Biden cho biết.

Tại hội nghị thượng đỉnh về Covid-19 trong ngày 22/9, Mỹ sẽ dẫn đầu kêu gọi các nước cam kết hành động mạnh mẽ hơn, buộc các quốc gia chịu trách nhiệm nhằm đạt được 3 mục tiêu then chốt gồm bảo vệ mạng sống người dân, tiêm chủng rộng khắp và tái thiết hậu Covid-19.

Tổng thống Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới đoàn kết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cuộc khủng hoảng mà ông chủ Nhà Trắng miêu tả là "không có biên giới".

"Những sự kiện thời tiết cực đoan chúng ta trải qua khắp nơi trên thế giới năm nay là minh chứng cho thứ mà ngài tổng thư ký đã rất đúng khi gọi nó là 'báo động đỏ cho nhân loại'", ông Biden nói.

"Để có thể đạt được mục tiêu sống còn hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C, mọi quốc gia cần có quyết tâm cao nhất khi chúng ta gặp lại ở COP 26", ông Biden nói.

Ông Biden cho biết Mỹ đã đặt mục tiêu mới "giảm phát thải khí nhà kính xuống mức từ 50% đến 52% của năm 2005 vào năm 2030". Ông chủ Nhà Trắng đồng thời tiết lộ sẽ làm việc với Quốc hội Mỹ để tăng gấp đôi hỗ trợ tài chính cho các nước đang phát triển ứng phó với biến đổi khí hậu.

Kết thúc bài phát biểu kéo dài hơn 30 phút, Tổng thống Biden kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng tập hợp hành động xây dựng "một tương lai tốt đẹp hơn".

"Tôi đứng đây hôm nay lần đầu tiên sau 20 năm nước Mỹ không ở trong chiến tranh. Chúng tôi đã bước sang trang sử mới. Với tất cả sức mạnh, năng lượng, cam kết, ý chí và nguồn lực vô song, đất nước chúng tôi toàn tâm toàn ý tập trung vào những gì đang ở phía trước, không phải những gì chúng tôi đã bỏ lại sau lưng", Tổng thống Biden nói.

Phát biểu của ông Biden khác biệt với ông Trump ở Đại hội đồng LHQ Trong bài phát biểu đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết hợp tác hữu nghị với các quốc gia khác trên thế giới để cùng hướng tới tương lai.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tong-thong-biden-lan-dau-phat-bieu-truoc-dai-hoi-dong-lien-hop-quoc-post1265145.html