Tổng thống Biden thăm Pháp: Chuyến thăm đa mục đích

Hôm nay, 8.6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ chào mừng người đồng nhiệm Mỹ Joe Biden bằng lễ đón chính thức trang trọng tại thủ đô Paris trong khuôn khổ chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp. Chuyến thăm được giới quan sát đánh giá là dịp để Tổng thống Biden nhấn mạnh sự cần thiết của một liên minh xuyên Đại Tây Dương mạnh mẽ, và nhắm đến nhiều mục đích khác nữa.

Trước đó, Tổng thống Biden đã đặt chân tới Pháp từ hôm 5.6 để tham dự lễ kỷ niệm 80 năm Ngày quân đồng minh đổ bộ vào vùng biển Normandy, Pháp (D-Day) trong hai ngày 6 - 7.6, cũng như có bài phát biểu quan trọng tại sự kiện này.

Củng cố quan hệ đồng minh truyền thống

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ chuyến thăm của Tổng thống Biden “phản ánh mối quan hệ lâu dài và toàn diện giữa Mỹ và Pháp, đồng minh lâu đời nhất của chúng ta, được thành lập dựa trên các giá trị dân chủ chung, quan hệ kinh tế và hợp tác quốc phòng, an ninh”.

Thực tế, Pháp và Mỹ luôn hợp tác chặt chẽ trong nhiều vấn đề lớn toàn cầu, đặc biệt phản ứng với cuộc chiến tại Ukraine. Cả hai cùng duy trì liên kết gắn bó trong việc hỗ trợ Ukraine, nhấn mạnh tầm quan trọng của NATO và các nỗ lực hợp tác phòng thủ. Đối với Tổng thống Biden, châu Âu, trong đó có Pháp, là nền tảng của ổn định, cũng như là nguồn sức mạnh đối với Mỹ. Thực tế, trước khi lên đường tới đất nước chú gà trống Gaulois, Phát Ngôn viên Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho hay, Tổng thống Joe Biden thực sự tin rằng mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của Washington và Paris đang ở thời điểm quan trọng trong lịch sử, gắn liền với những biến động địa chính trị và các thách thức đang đặt ra trên toàn cầu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và hai đệ nhất phu nhân. Nguồn: Reuters

Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và hai đệ nhất phu nhân. Nguồn: Reuters

Chuyến thăm của Tổng thống Biden diễn ra khi Mỹ bắt đầu 6 tuần tham gia vào các sự kiện quốc tế cấp cao quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh về hòa bình Ukraine, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) vào giữa tháng 6 và Hội nghị Thượng đỉnh các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào tháng 7.

Hai nhà lãnh đạo cùng nhau thảo luận một loạt biện pháp tăng cường hợp tác song phương, nhất là trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, không gian, hạt nhân và biến đổi khí hậu. Ngoài ra, họ cũng trao đổi về các thách thức toàn cầu như cuộc chiến ở Gaza, Ukraine. Đặc biệt, trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine bước sang năm thứ ba, ông chủ Điện Elyseé và ông chủ Nhà Trắng không thể không bàn bạc về sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Kiev, nhất là về vấn đề viện trợ dài hạn lẫn khả năng sử dụng khoảng 300 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Nga để trợ giúp Ukraine.

Tạo động lực trước kỳ bầu cử

Theo các nhà phân tích quốc tế, chuyến thăm của Tổng thống Biden mang lại lợi ích cho cả ông lẫn người đồng cấp Pháp, tạo cơ hội xây dựng hình ảnh cá nhân với cử tri trong nước; nước Mỹ sẽ bước vào cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới, trong khi cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu cũng bắt đầu vào cuối tuần này (9.6).

CNBC News phân tích, chuyến công du Pháp của Tổng thống Biden diễn ra khi kết quả các cuộc thăm dò dư luận hiện nay cho thấy, ông đang gặp bất lợi trước đối thủ bên đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Nếu trở lại nắm quyền, không có gì bảo đảm ông Donald Trump sẽ giữ nguyên các trụ cột cơ bản của trật tự thế giới thời hậu Thế chiến II, vì ông từng cân nhắc rút khỏi NATO khi còn là tổng thống. Mới đây, ông Trump còn tuyên bố Mỹ chỉ bảo đảm hỗ trợ phòng thủ cho các thành viên NATO thực hiện đúng nghĩa vụ của mình (tức dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng). Cựu tổng thống Mỹ cũng chỉ trích chi phí hỗ trợ khổng lồ cho Ukraine trong chiến sự với Nga. Thực tế, Mỹ đang đứng ra gánh phần lớn chi phí quốc phòng cho Kiev và đã gửi 175 tỷ USD kể từ đầu cuộc chiến vào năm 2022. Con số này thậm chí còn lớn hơn 171 tỷ USD tính theo giá trị USD ngày nay mà Mỹ từng gửi tới 16 nước châu Âu để tái thiết sau Thế chiến II. Trong khi đó, Ngân hàng Thế giới ước tính, quá trình tái thiết Ukraine sẽ tiêu tốn hơn 500 tỷ USD và chiến tranh vẫn chưa kết thúc. Việc tìm kiếm nguồn vốn để trả cho công tác này chắc chắn sẽ là thách thức rất lớn. Trong khi các quốc gia thuộc EU luôn chi tiêu nhiều hơn số tiền họ kiếm được từ thuế và Chính phủ phải vay tiền để trang trải những chi phí đó, thì Mỹ về tổng thể còn có mức thâm hụt và nợ cao hơn.

Do vậy, chuyến đi là cơ hội để Tổng thống Biden nêu bật những khác biệt về chính sách với đối thủ, thể hiện cam kết vững chắc với các đồng minh truyền thống ở châu Âu, đồng thời chứng tỏ với những cử tri còn hoài nghi, rằng ở tuổi 81, ông vẫn giữ được sức bền, sự nhạy bén và năng động.

Mặt khác, một số học giả cho rằng, bản thân Tổng thống Biden cũng tạo ra thách thức cho chính bản thân mình trong cuộc bầu cử tháng 11 khi đứng một mình giữa các nền dân chủ phương Tây, bởi kiên quyết lựa chọn ủng hộ Israel trong cuộc chiến ở Gaza; ông Peter Rough, Giám đốc Trung tâm châu Âu và Á - Âu tại Viện Hudson và là cựu trợ lý của Tổng thống George W. Bush, đánh giá: “Tôi nghĩ rằng mâu thuẫn nằm ở chính sách của Mỹ; ở Ukraine, ông Biden ủng hộ Kiev chống lại liên minh Nga - Iran, trong khi ở Gaza, ông ấy đang lựa chọn Israel”. Trong khi đó, tờ Foreign Policy vừa có bài nhận định rằng, người Mỹ không muốn có một tổng thống thời chiến, do đó nếu ông Biden tránh được cám dỗ trở thành chiến binh bảo vệ các đồng minh ở nước ngoài, ông có thể có cơ hội tốt hơn để giành chiến thắng trong "trận chiến" bầu cử trên sân nhà.

Linh Anh (Tổng hợp từ CNN, CNBC News, Foreign Policy, AP)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/tong-thong-biden-tham-phap-chuyen-tham-da-muc-dich-i374920/