Tổng thống CHLB Đức bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam
Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và Phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier (Phran Van-tơ Xtai-mai-ơ) và Phu nhân đã đến Hà Nội, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 – 24/01/2024.
Tháp tùng Tổng thống là quan chức trong các lĩnh vực như ngoại giao, lao động và xã hội, kinh tế, bảo vệ khí hậu cùng đoàn doanh nghiệp lớn của Đức. Đây là chuyến thăm đầu tiên của một Tổng thống Đức đến Việt Nam trong 17 năm qua. Chuyến thăm cấp nhà nước đến Việt Nam của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và phu nhân diễn ra trong bối cảnh quan hệ song phương đang tiếp tục đi vào chiều sâu và có những bước phát triển thực chất trên nhiều lĩnh vực.
Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23.9.1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng 10.2011, hai nước đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược.
Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu (chiếm gần 20% xuất khẩu của Việt Nam sang EU) và cũng là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt hơn 11 tỉ USD
Về đầu tư, hiện có trên 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam, trong đó có một số tập đoàn đa quốc gia trong các lĩnh vực thiết bị, y tế, khí hóa lỏng phục vụ luyện kim, ôtô, tư vấn, thiết kế, chế tạo máy, ngân hàng, bảo hiểm... Tính đến tháng 5.2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là trên 2,36 tỉ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam.
Tính đến nay, các doanh nghiệp Việt Nam có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 30,95 triệu USD.
Về hợp tác phát triển, Đức là một trong những nước viện trợ nhiều và thường xuyên ODA cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp trên 2 tỉ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật (viện trợ không hoàn lại) và hợp tác tài chính (bao gồm viện trợ không hoàn lại, khoảng 40% và tín dụng ưu đãi, khoảng 60%). Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là “Đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức.