Tổng thống D. Trump đứng trước lựa chọn khó khăn, nhưng ký vẫn hơn
Tổng thống Trump có 10 ngày để phê chuẩn hay phủ quyết 'Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019'. Ông chủ Nhà Trắng đang đứng trước lựa chọn hết sức khó khăn: phê chuẩn hay phủ quyết? Đa phần các nhà bình luận quốc tế đều nhận định mặc dù thực sự khó khăn, ông Trump vẫn nên phê chuẩn thì hơn.
Tổng thống Trump có 10 ngày
Ngày 22/11/2019, Hạ viện Mỹ đã thông qua “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong 2019” với số phiếu áp đảo là 417/1. Người duy nhất bỏ phiếu chống là Dân biểu Đảng Cộng hòa Thomas Massie ở bang Kentucky. Trước đó, ngày 19/11/2019, “Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong” cũng đã được Thượng viện nhất trí thông qua với số phiếu tuyệt đối: 100%.
Tổng thống D. Trump đứng trước sự lựa chọn khó khăn: ký hay phủ quyết dự luật về dân chủ và nhân quyền cho Hong Kong.
Cả hai dự luật này đã được chuyển tới Nhà Trắng và Tổng thống D. Trump có 10 ngày để ký ban hành luật hoặc phủ quyết.
Sau khi các dự luật (nếu) được ký thành luật, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ được yêu cầu phải xác nhận ít nhất một năm một lần rằng Hong Kong duy trì đủ quyền tự chủ trước Trung Quốc để được cân nhắc về quy chế thương mại đặc biệt của Mỹ, mà theo Reuters, từng giúp Hong Kong trở thành trung tâm tài chính của thế giới.
Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình.
Các quan chức bị quy chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền ở Hong Kong cũng có thể bị trừng phạt theo Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong. Dự luật cũng sẽ cấm xuất khẩu sang Hong Kong những thứ như hơi cay, bình xịt hơi cay, đạn cao su và súng gây choáng.
Việc Thượng viện và Hạ viện Mỹ thông qua dự luật đã khiến Bắc Kinh tức giận, lên án “đó là hành động can thiệp trắng trợn vào công việc nội bộ của Trung Quốc và vi phạm luật pháp quốc tế”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố: “Trung Quốc sẽ có những biện pháp mạnh mẽ để đáp trả một cách chắc chắn, kiên quyết bảo vệ các quyền lợi chủ quyền, an ninh và phát triển của mình”. Trước đó, Trung Quốc cũng đã đe dọa ông Trump rằng ông đang bên “bờ vực thẳm” khi dự luật về Hong Kong được đưa đến bàn làm việc của ông.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, Thứ trưởng Ngoại giao Ma Zhaoxu đã triệu tập Đại sứ Mỹ William Klein để cảnh báo. “Trung Quốc sẽ áp dụng các biện pháp phản đối mạnh mẽ và Mỹ sẽ phải gánh chịu mọi hậu quả nặng nề nhất”, tuyên bố nói trên viết.
Ông Trump nói gì?
Ngày 22/11, trong một cuộc trả lời phỏng vấn, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã từ chối trả lời câu hỏi, liệu ông có ký dự luật ủng hộ dân chủ và nhân quyền Hong Kong hay không khi mà cả Hạ viện và Thượng viện gần như thống nhất tuyêt đối thông qua “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong 2019”.
Theo mô tả của tờ South China Morning Post, ông Trump đã gọi dự luật này là “nhân tố làm phức tạp” cuộc đàm phán thương mại của ông với Trung Quốc. Còn tờ Washington Post nhận định: Điều này cho thấy ông Trump “có thể sẽ phủ quyết dự luật” để mở đường cho một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc”.
Còn khi phát biểu trong chương trình buổi sáng “Fox & Friends” trên kênh Fox News, Tổng thống Trump nói rằng ông đang cân bằng các ưu tiên giằng xé nhau trong mối quan hệ Mỹ -Trung. “Chúng ta phải sát cánh với Hong Kong, nhưng tôi cũng đang sát cánh với Chủ tịch Tập Cận Bình”- ông Trump nói. “Ông ấy là bạn của tôi. Ông ấy là một người tuyệt vời. Nhưng tôi muốn thấy họ giải quyết vấn đề. Nhưng tôi sát cánh với Hong Kong. Tôi đứng về phía tự do. Tôi đứng về phía những điều chúng ta muốn, nhưng chúng ta cũng đang trong quá trình thực hiện thỏa thuận thương mại lớn nhất trong lịch sử. Và nếu chúng ta có thể làm được thì sẽ rất tuyệt.”
Ký hay không ký?
Số phận “Đạo luật Nhân quyền và Dân chủ Hong Kong 2019” sẽ ra sao?
Có 3 khả năng xảy ra: Một, là Tổng thống D. Trump đặt bút ký. Khi ấy đương nhiên đạo luật sẽ có hiệu lực pháp lý. Hai, là ông Trump không ký, cũng không phủ quyết. Trong trường hợp này, theo Hiến pháp Mỹ, đạo luật cũng sẽ được triển khai vì lưỡng viện đã thông qua với số phiếu gần như tuyệt đối. Thứ ba, là Tổng thống Trump phủ quyết. Trường hợp này sẽ phức tạp hơn. Theo Hiến pháp Mỹ, khi một dự luật bị Tổng thống phủ quyết thì đạo luật phải chuyển về Hạ viện và Thượng viện xem xét lại, và chỉ cần với số phiếu 2/3 tán thành của Quốc hội, đạo luật đương nhiên có hiệu lực, bất chấp việc ông Trump phủ quyết nó.
Có một thực tế là Tổng thống Trump đang đứng trước thế lưỡng nan. Nếu ông không ký dự luật bảo vệ nhân quyền - dân chủ cho Hong Kong thì hình ảnh của ông sẽ bị hoen ố rất nhiều trong kỳ bầu cử vào năm sau.
Tình hình ở Hong Kong làm gia tăng mâu thuẫn Mỹ - Trung.
“Dự luật này được cả lưỡng viện thông qua với sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Mà Quốc hội là đại diện cho nguyện vọng của người dân,”- một nhà bình luận thời cuộc giải thích và lưu ý rằng nếu ông Trump phủ quyết thì sẽ “đi ngược lại nguyện vọng của người dân”.
Tuy nhiên, nếu ông Trump thông qua dự luật sẽ khiến các cử tri nông dân ở những bang ủng hộ chủ chốt bị tổn thương trước những đòn trả đũa của Trung Quốc. Trung Quốc đã đe dọa sẽ không nhượng bộ trong cuộc chiến thương mại và sẽ đánh thuế cao hơn vào nông sản những bang đang ủng hộ Trump. Hơn nữa nó sẽ khiến khả năng đạt được thỏa thuận thương mại giữa hai nước ngày càng khó khăn hơn.
Vì vậy, việc ký hay phủ quyết, nói cho cùng, đều mang lại thiệt hại cho Tổng thống D. Trump. Ông đang đứng trước sự lựa chọn và cần phải cân đo giữa nguyện vọng của người dân Mỹ nói chung và lợi ích của nông dân ở một số bang đã từng bỏ phiếu cho ông nói riêng.
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, một trong những lý do ông Trump được người dân Mỹ bỏ phiếu đưa ông lên làm Tổng thống năm 2016 là thái độ quyết liệt đối với Trung Quốc. Nếu ông Trump ký thì có nghĩa ông đã chúng minh cho người dân Mỹ thấy rằng ông quyết liệt chống Trung Quốc là thật chứ không phải “đánh võ mồm”.
Về việc ông Trump tuyên bố “sát cánh cùng Tập Cận Bình”, nhiều ý kiến cho rằng, ông Trump là người có những phát ngôn nhiều khi mẫu thuẫn, vì vậy không nên căn cứ vào một câu nói mà nên để ý đến chính sách thực tế của ông ấy.
Nếu thành luật Trung Quốc và Hong Kong sẽ thiệt hại gì?
Nếu đạo luật được ký kết và Hong Kong bị Mỹ tước Quy chế thương mại đặc biệt, kinh tế Hong Kong sẽ bị thiệt hại hết sức nặng nề, và quan trọng hơn, Trung Quốc cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Trung Quốc thề trả đũa Mỹ, nếu đạo luật về dân chủ và nhân quyền Hong Kong được phê chuẩn.
Theo South China Morning Post, nếu bị Hoa Kỳ trừng phạt sẽ tác động mạnh đến Hong Kong với vị thế là trung tâm buôn bán đồng nhân dân tệ hải ngoại (offshore yuan). Đây là đồng tiền có mã ký hiệu giao dịch ISO riêng: ¥ - Yuan, khác đồng nhân dân tệ reminbi (tức RMB lưu hành ở Trung Quốc). Thị trường đồng yuan đang tăng trưởng tốt và có trị giá 600 tỷ, bằng 84,5 tỷ USD (tính đến hết năm 2018). Các khoản ký gửi bằng yuan tại Hong Kong cũng lên tới 644 tỷ, trong đó thương mại với Trung Quốc đạt 500 tỷ.
Ngoài ra, Hong Kong cũng là thị trường mà trái phiếu Trung Quốc phát hành bằng đồng yuan chuyển đổi. Riêng với Trung Quốc, Hong Kong vẫn là một trung tâm tài chính quan trọng.
Theo Reuters, đa số các tập đoàn kinh tế lớn của Trung Quốc, từ Ngân hàng Công thương đến công ty tư nhân như Tencent Holdings, đều hoạt động trên sàn chứng khoán Hong Kong và dùng đó là bàn đạp để ra thế giới. Các ngân hàng Trung Quốc hiện giữ 1,1 nghìn tỷ USD tại Hong Kong, bằng 9% GDP của Trung Quốc (tính đến năm 2018).
Theo số liệu của Refinitiv thì năm 2018, các công ty Trung Quốc gọi vốn quốc tế được 64,2 tỷ USD qua hình thức IPOs. Trong số này chỉ có 19,7 tỷ USD là nhờ thị trường Thượng Hải và Thâm Quyến, còn 35 tỷ USD là nhờ Hong Kong.
Nếu tương lai của Hong Kong với quy chế đặc biệt bị Hoa Kỳ đe dọa, khả năng các nhà đầu tư sẽ không tìm vào Thượng Hải và Thâm Quyến mà tìm đến các thị trường tài chính khác như Tokyo, Singapore và London.
Chắc chắn Trung Quốc sẽ không ngồi yên chịu trận, bởi Đạo luật về Dân chủ và nhân quyền Hong Kong nếu được thực thi sẽ không chỉ đem lại thiệt hại nặng nề cho nền kinh tế mà còn thách thức rất lớn về chủ quyền của Trung Quốc khi mà vấn đề Đài Loan, Tân Cương vẫn đang làm đau đầu giới cầm quyền Bắc Kinh.
Xem ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung giờ đây mới thực sự gay cấn và hết sức khó lường.