Tổng thống đắc cử Philippines hé lộ các ưu tiên trong chính sáchTin khácTriển khai hóa đơn điện tử: Tăng cường phối hợp, đẩy nhanh tiến độBồi dưỡng nguồn nhân lực: Chìa khóa để chuyển đổi số thành công
Sau khi được Quốc hội tuyên bố là Tổng thống thứ 17 của Philippines, Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr. ngày 26-5 đã tổ chức trả lời phỏng vấn báo chí nước này liên quan tới chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ sắp tới.Ông Marcos Jr. (giữa) được Chủ tịch Thượng viện Vicente Sotto (bên trái) và Chủ tịch Hạ viện Lord Allan Velasco tuyên bố là Tổng thống thứ 17 của Philippines hôm 25-5. Ảnh: Bangkok Post
Theo CNN, Tổng thống đắc cử Ferdinand Marcos Jr. nhấn mạnh ưu tiên trước hết của ông khi tiếp quản Điện Malacanang sẽ là vấn đề kinh tế. Theo đó, chính phủ sắp tới của Philippines sẽ tập trung vào tạo công ăn việc làm, xử lý tình trạng giá cả hàng hóa leo thang, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và đơn giản hóa hoạt động của chính phủ thông qua số hóa.
Khẳng định Philippines sẽ không nhượng bộ vì “chủ quyền là thiêng liêng”, ông Marcos Jr. tuyên bố, Manila sẽ tiếp tục tuân thủ phán quyết hồi năm 2016 của Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 để bảo vệ chủ quyền quốc gia. Ông Marcos Jr. cũng tuyên bố ngăn chặn “bất kỳ sự can thiệp nước ngoài nào” vào việc điều hành đất nước. “Chúng ta là một quốc gia có chủ quyền với một chính phủ đang hoạt động”, Tổng thống đắc cử Marcos Jr. nhấn mạnh.
Tổng thống đắc cử Marcos Jr. cho biết, chính phủ sắp tới của ông sẽ thực thi một chính sách đối ngoại độc lập và coi các mối quan hệ đối tác quốc tế đóng vai trò then chốt đối với sự ổn định của khu vực. “Sau đại dịch và cuộc khủng hoảng mà nó gây ra, không chỉ về phương diện kinh tế mà cả về địa chính trị, chúng ta cần thiết lập các quan hệ đối tác. Không quốc gia nào có thể tự thay đổi tình hình địa chính trị. Chính những mối quan hệ đối tác sẽ giúp bảo đảm sự ổn định”, Reuters dẫn lời ông Marcos Jr.
Ông Marcos Jr., thường được biết đến với biệt danh “Bongbong Marcos”, 64 tuổi, là con trai của cố Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Sr. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Marcos Jr. cam kết sẽ nỗ lực thúc đẩy phát triển đất nước bằng cách giải quyết những tác động trước mắt của đại dịch Covid-19, tạo công ăn việc làm mới, cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và nông nghiệp, nâng cao sức khỏe cộng đồng và kích cầu tiêu dùng trong nước. Thông điệp duy nhất trong suốt chiến dịch của ông là đoàn kết với khẩu hiệu: “Cùng nhau chúng ta sẽ vươn lên lần nữa”.
Theo kế hoạch, ông Marcos Jr. sẽ nhậm chức vào ngày 30-6 tới. Chặng đường với chính phủ sắp tới của ông Marcos Jr. được đánh giá là không trải hoa hồng khi phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn là tái thiết nền kinh tế. Nền kinh tế Philippines, từng là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á, suy giảm tới 9,6% hồi năm 2020-mức tồi tệ nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai do tác động của dịch Covid-19. Tuy được dự báo là một trong những nền kinh tế tăng trưởng tốt nhất khu vực Đông Nam Á trong năm nay, song Philippines cũng đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao, có nguy cơ tác động tới các hộ gia đình có thu nhập giảm do đại dịch. Ngoài ra, giới phân tích nhận định, chính quyền mới của ông Marcos Jr. sẽ phải đối mặt với hàng loạt thách thức liên quan tới tình trạng nghèo đói kéo dài, tỷ lệ thất nghiệp cao, sự gia tăng bất bình đẳng và chia rẽ chính trị sâu sắc. Việc vạch ra một chính sách đối ngoại phù hợp cũng là một thách thức với chính phủ sắp tới của ông Marcos Jr., đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tại khu vực ngày càng quyết liệt.
Ông Marcos Jr. đã được cử tri Philippines “chọn mặt gửi vàng” với hy vọng về một hướng đi mới để quốc gia Đông Nam Á này hồi phục và vươn lên trở lại như khẩu hiệu “Cùng nhau chúng ta sẽ vươn lên lần nữa”. Chiến thắng của ông Marcos Jr. trong cuộc chạy đua vào Điện Malacanang mà người phát ngôn của ông tuyên bố là “chiến thắng cho tất cả người dân Philippines” đánh dấu một khởi đầu mới, trong đó nhà lãnh đạo cam kết sẽ trở thành tổng thống của tất cả người dân, tìm kiếm điểm chung giữa những chia rẽ chính trị và cùng nhau đoàn kết đất nước để vượt qua những thách thức phía trước.