Tổng thống Donald Trump mở đường cho ngân hàng kiểm soát Bitcoin

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy ngân hàng tiến sâu vào tiền mã hóa, với FDIC xem xét cho phép tiền gửi token hóa và nới lỏng giám sát.

Lần gần nhất thị trường tiền mã hóa sụp đổ, các nhà quản lý đã hoan nghênh thực tế rằng những ngân hàng lớn nhất nước Mỹ gần như không có liên kết với Bitcoin và các tài sản kỹ thuật số khác, qua đó tránh được thiệt hại. Tuy nhiên, điều này có thể thay đổi trong thời gian tới.

 Hình minh họa việc kiểm soát tiền tệ đang được mở ‘đèn xanh’ tại Mỹ. Ảnh: Fortunate Joaquin

Hình minh họa việc kiểm soát tiền tệ đang được mở ‘đèn xanh’ tại Mỹ. Ảnh: Fortunate Joaquin

Sau nhiều năm bị chính quyền của ông Joe Biden hạn chế, các ngân hàng có thể sớm nhận được tín hiệu tích cực từ Tổng thống Donald Trump và các quan chức cấp cao của ông để bắt đầu cung cấp dịch vụ tiền mã hóa.

Ông Donald Trump, người đã ra mắt token riêng, đang xây dựng một chính phủ ủng hộ tiền mã hóa. Những ngân hàng từng bị loại khỏi lĩnh vực này đang chuẩn bị gia nhập, cạnh tranh với các công ty như Coinbase Global, Robinhood Markets và BlackRock để giành thị phần.

Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) có kế hoạch sửa đổi hướng dẫn đối với ngân hàng về tiền mã hóa, nhằm cho phép họ thực hiện một số hoạt động liên quan mà không cần xin phép cơ quan quản lý. Một số ngân hàng đã gặp gỡ quan chức chính phủ để thúc đẩy việc cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản mã hóa, cùng với "tiền gửi token hóa", có thể đưa một số tài khoản thanh toán lên blockchain.

"Nếu có quy định rõ ràng và hợp pháp hóa giao dịch tiền mã hóa, hệ thống ngân hàng sẽ nhanh chóng tham gia vào lĩnh vực này trên khía cạnh giao dịch", CEO Bank of America Brian Moynihan cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CNBC tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ, mô tả tiền mã hóa như "một hình thức thanh toán khác".

Các ngân hàng không hoàn toàn đứng ngoài thị trường tiền mã hóa, nhưng việc cho phép họ cung cấp nhiều dịch vụ hơn và đưa tiền gửi lên blockchain sẽ là một sự thay đổi lớn so với chính sách của chính quyền ông Biden, vốn tích cực ngăn cản mối liên kết giữa ngân hàng và tiền mã hóa.

Đây cũng là sự thay đổi đáng kể trong quan điểm của các cơ quan quản lý độc lập, những tổ chức từ lâu đã lo ngại về việc tiền mã hóa có thể bị sử dụng cho các hoạt động phi pháp và gây bất ổn cho hệ thống tài chính.

Mọi cơ quan quản lý ngân hàng lớn, các tổ chức độc lập trong chính phủ liên bang đều từng lên tiếng cảnh báo. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (OCC) và FDIC năm 2023 đã ra tuyên bố chung cho rằng tiền mã hóa đặt ra "những rủi ro đáng kể về an toàn và tính bền vững" đối với ngân hàng. Các cơ quan này cũng yêu cầu ngân hàng phải xin phép trước khi tham gia các dự án tiền mã hóa lớn. Giờ đây, ít nhất đối với một số hoạt động, quy trình này có thể thay đổi.

Sự thay đổi diễn ra dù ông Trump chưa bổ nhiệm lãnh đạo lâu dài cho các cơ quan quản lý, vốn hoạt động độc lập với chính quyền. Hội đồng FDIC có 5 thành viên, với ông Travis Hill, một thành viên Đảng Cộng hòa, đang giữ chức Chủ tịch tạm quyền.

Ông Michael Hsu, người được bổ nhiệm dưới thời ông Biden, hiện điều hành OCC nhưng dự kiến sẽ sớm bị thay thế. Quá trình thay đổi tại Hội đồng Fed có thể chậm hơn, vì Chủ tịch Jerome Powell có nhiệm kỳ kéo dài đến năm 2026.

Các ngân hàng cho rằng họ có thể áp dụng các biện pháp kiểm soát rủi ro và không muốn bị loại khỏi lĩnh vực tiền mã hóa, cũng như công nghệ blockchain - vốn có thể giúp họ cắt giảm chi phí, tăng tốc thanh toán và tạo nguồn doanh thu mới.

Hiện tại, các ngân hàng mới có những bước đi nhỏ trong lĩnh vực này. JPMorgan Chase đã ra mắt "JPM Coin" vào năm 2019 - một token nội bộ để thanh toán giữa các khách hàng, dù khối lượng giao dịch còn rất nhỏ so với các phương thức truyền thống.

Năm ngoái, Goldman Sachs cho biết họ có kế hoạch phát triển một nền tảng dựa trên blockchain để mã hóa và giao dịch tài sản thực như bất động sản. Citigroup cũng đã hợp tác với Wellington Management và WisdomTree để thử nghiệm mã hóa quỹ đầu tư tư nhân.

Bất chấp sự mở cửa của chính phủ Mỹ đối với tiền mã hóa, các ngân hàng vẫn khó có thể tạo ra tác động lớn lên bảng cân đối kế toán của mình, do nguồn thu chính vẫn đến từ tăng trưởng tín dụng, thu nhập lãi suất ròng và các khoản đầu tư truyền thống.

Tuy nhiên, các ngân hàng không muốn bỏ lỡ những lĩnh vực lợi nhuận cao như dịch vụ môi giới, lưu ký tài sản mã hóa và phát hành token gắn với USD - những thị trường đang bị thống lĩnh bởi các công ty như Coinbase, Robinhood và Anchorage Digital.

Áp lực gia nhập thị trường tiền mã hóa cũng đến từ sự thành công vượt bậc của các quỹ ETF Bitcoin giao ngay. Ra mắt cách đây khoảng một năm, các quỹ này hiện có tổng tài sản khoảng 120 tỷ USD, mang lại lợi nhuận đáng kể cho các nhà quản lý như BlackRock và Fidelity, cũng như các tổ chức lưu ký Bitcoin như Coinbase.

Bên cạnh đó, các công ty tiền mã hóa cũng đang dần xâm nhập vào hoạt động cốt lõi của ngân hàng: nhận tiền gửi, cho vay và kiếm lãi từ nguồn dự trữ. Trong lĩnh vực tiền mã hóa, điều này được thực hiện thông qua stablecoin - các token được gắn với đồng USD, có thể sử dụng trong giao dịch, làm tài sản thế chấp và gửi vào tài khoản sinh lãi. Tổng giá trị của stablecoin hiện đạt hơn 227 tỷ USD, mang lại lợi nhuận lớn cho các công ty như Coinbase, Circle Internet Financial và Tether Holdings.

Để cạnh tranh với stablecoin, một số ngân hàng gần đây đã gặp gỡ quan chức cấp cao của FDIC để thảo luận về khả năng cung cấp "tiền gửi token hóa". Đây là các token đại diện cho tiền gửi truyền thống trong tài khoản ngân hàng và có thể chuyển nhanh chóng trên blockchain, giúp giảm chi phí giao dịch và tích hợp với các blockchain khác để phục vụ hoạt động giao dịch, cho vay và các dịch vụ tài chính khác.

FDIC, dưới sự lãnh đạo của ông Hill, đang xem xét nới lỏng quy định để giúp ngân hàng dễ dàng cung cấp dịch vụ lưu ký tài sản mã hóa. Cơ quan này cũng có thể rút lại hoặc điều chỉnh các hướng dẫn từng yêu cầu ngân hàng phải xin phép trước khi tham gia các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa.

"Chúng tôi đang tích cực đánh giá lại cách tiếp cận giám sát đối với các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa", ông Hill tuyên bố hôm thứ Tư, nhấn mạnh rằng FDIC mong muốn "tạo ra một lộ trình cho các tổ chức tài chính tham gia vào các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa và blockchain mà vẫn tuân thủ các nguyên tắc an toàn".

Việt Hà (Theo Barron’s)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-donald-trump-mo-duong-cho-ngan-hang-kiem-soat-bitcoin-post333406.html