Tổng thống Evo Morales đã lên máy bay rời Bolivia và phản ứng từ Mỹ
Tổng thống Bolivia Evo Morales đã lên máy bay đi Mexico, nơi ông đã được cấp tị nạn, ngoại trưởng Mexico tuyên bố cách đây 1 giờ.
Trước đó vào tối thứ hai (giờ địa phương, tức sáng nay giờ VN), ông Morales đã đăng tweet gửi lời từ biệt sau khi ông tuyên bố từ chức. Morales viết lời cảm ơn những người giúp đỡ ông, đồng thời cho biết: “Thật đau lòng khi rời đất nước vì lý do chính trị, nhưng tôi sẽ luôn chờ mọi chuyện được giải quyết. Tôi sẽ sớm trở lại với nhiều sức mạnh và năng lượng hơn”.
Vào lúc 21 giờ 45 phút, 11.11 giờ La Paz (9h45 sáng nay giờ VN), Bộ trưởng Ngoại giao Mexico Marcelo Ebrard cũng đã tweet với nội dung: Evo Morales đang ở trên máy bay do chính phủ Mexico điều tới để đảm bảo an toàn cho ông ta đến Mexico.
Morales ra đi trong lúc đất nước Bolivia rơi vào hỗn loạn khi những người ủng hộ ông và những người phản đối ông đã đụng độ trên đường phố. Cảnh sát kêu gọi cư dân La Paz ở trong nhà và tuyên bố họ sẽ hợp sực với quân đội để giúp dập tắt bạo lực.
Tình hình tại Bolivia mang lại những phản ứng trái chiều trên khắp thế giới. Trong khi các nước cánh tả cầm quyền lên án cuộc biểu tình khiến ông Morales phải ra đi là cuộc đảo chính thì nhiều nước cánh hữu cầm quyền cho rằng đó là chiến thắng của nhân dân. Tổng thống Mỹ Donald Trump hoan nghênh nó như một thời điểm quan trọng đối với nền dân chủ ở Tây bán cầu. Tổng thống Mỹ cho biết trong một tuyên bố bằng văn bản: Sau gần 14 năm và nỗ lực gần đây của ông ta nhằm đè lên hiến pháp và ý chí của người dân Bolivia, sự ra đi của Morales đã bảo vệ nền dân chủ và mở đường cho tiếng nói của người dân Bolivian được lắng nghe.
Mỹ hoan nghênh việc người dân Bolivia đòi hỏi tự do và quân đội Bolivia đã tuân theo lời thề của mình để bảo vệ không chỉ một người, mà cả hiến pháp của Bolivia".
Một quan chức cấp cao của bộ ngoại giao Mỹ cho biết xuất hiện một bản sao lá đơn từ chức của ông Morales. “Chúng đang cố gắng xác định xem đó là một tài liệu hợp lệ hay là thứ do ai đó bịa đặt, nhưng chúng tôi đã thấy một bản dự thảo đã được ký”.
Một quan chức cấp cao khác của Mỹ cho biết: “Nhận thức của chúng tôi từ những gì xảy ra trên thực tế là những người phục vụ trong lực lượng an ninh và cảnh sát đã từ chối đàn áp các cuộc biểu tình và sau đó giới chức quân đội đã từ chối đàn áp các cuộc biểu tình này.
Thời điểm Evo Morales từ chức là khi Tư lệnh lực lượng vũ trang chỉ ra một điều hiển nhiên: ông ta đã mất niềm tin của công chúng, và rằng tình hình an ninh đã trở nên đặc biệt nghiêm trọng".
Bình luận về làn sóng từ chức của các quan chức ở La Paz, vị quan chức Mỹ nói: “Vẫn còn một nền tảng hiến pháp và vẫn có một ranh giới rõ ràng trong hiến pháp của họ để tạo ra chính quyền kế thừa chính danh, và chúng tôi hy vọng rằng tất cả các đảng phái chính trị đều tham gia đầy đủ để tạo ra một khối thúc đẩy tiến trình đó tiến lên”.
Ở Bolivia, mối quan tâm trước mắt là khoảng trống quyền lực sau khi ông Morales và Phó tổng thống Álvaro García Linares từ chức. Theo hiến pháp, người kế nhiệm là Chủ tịch thượng viện nhưng bà Adriana Salvatierra cũng từ chức. Phó Chủ tịch thượng viện Jeanine Anez Chavez thuộc đảng đối lập, dự kiến sẽ đảm nhận chức tổng thống lâm thời nhưng bà vẫn cần phải nhận được sự chấp thuận từ Hội đồng lập pháp trong khi cả lưỡng viện đều do đảng của ông Morales kiểm soát.
Anh Tú (theo Guardian)