Tổng thống Hàn Quốc cảnh báo 'hậu quả nghiêm trọng' từ quyết định mới của Nhật Bản
Ngày 2/8, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cảnh báo Nhật Bản sẽ phải đối mặt với những hậu quả nghiêm trọng sau quyết định loại Hàn Quốc khỏi 'Danh sách Trắng' các đối tác thương mại đáng tin cậy.
Phát biểu chủ trì phiên họp nội các khẩn cấp, Tổng thống Hàn Quốc gọi hành động này là việc mở rộng các biện pháp hạn chế thương mại và là một thách thức lớn với quan hệ song phương đồng thời tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu. Ông Moon cũng cho rằng cuối cùng Nhật Bản đã phớt lờ những nỗ lực của Hàn Quốc và cộng đồng quốc tế nhằm tháo gỡ tình hình bằng con đường ngoại giao. Vì vậy, Tokyo là bên làm nghiêm trọng tình hình và phải chịu "hoàn toàn trách nhiệm" với những việc sẽ diễn ra. Dù Hàn Quốc không mong muốn vòng xoáy trừng phạt lẫn nhau nhưng vì Tokyo áp dụng "biện pháp trả đũa bất công" với Seoul nên Chính phủ Hàn Quốc sẽ có các biện pháp tương ứng.
Trước đó, theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Chủ tịch Quốc hội và các đảng phái chính trị Hàn Quốc đã tổ chức họp khẩn để đưa ra các biện pháp đối phó với quyết định của Nhật Bản. Sau khi chủ trì cuộc họp khẩn cấp với các trợ lý cấp cao, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee-sang bày tỏ "lấy làm tiếc" trước quyết định của Nhật Bản. Người phát ngôn Quốc hội Hàn Quốc Han Min-soo dẫn lời ông Moon Hee-sang thể hiện sự thất vọng trước động thái mới của Chính phủ Nhật Bản và cho rằng Nội các của Thủ tướng Shinzo Abe phải chịu mọi trách nhiệm về các tác động tới ngoại giao, an ninh và kinh tế của quyết định này. Các đảng đối lập ở Hàn Quốc cũng đã tổ chức các cuộc họp khẩn với sự tham gia của các nhà lập pháp để đưa ra các biện pháp đối phó.
Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BOK) cũng sẽ tổ chức một cuộc họp khẩn để thảo luận về cách giảm thiểu rủi ro có thể xảy ra do các hạn chế xuất khẩu mở rộng của Nhật Bản. Theo BOK, nội dung chính trong chương trình nghị sự sẽ bao gồm đánh giá về thông báo mới nhất của Nhật Bản và ảnh hưởng của quyết định này đến nền kinh tế và thị trường tài chính Hàn Quốc cũng như đối với thị trường ngoại hối và các khoản vay nước ngoài. Các quan chức của BOK cũng cho biết quyết định loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" của Nhật Bản sẽ chỉ có tác động hạn chế trên thị trường tài chính địa phương nhưng có thể tiếp tục làm suy yếu hoạt động xuất khẩu của Hàn Quốc, vốn đã giảm liên tục kể từ tháng 12 năm ngoái.
Cũng trong ngày 2/8, Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha cho biết Seoul "quan ngại sâu sắc" trước quyết định mới của Nhật Bản. Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và các hội nghị liên quan diễn ra ở thủ đô Bangkok (Thái Lan), bà Kang chỉ trích quyết định trên là "đơn phương và tùy tiện". Về phần mình, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono, người cũng đang tham dự hội nghị ở Bangkok, bác bỏ chỉ trích trên và cho rằng biện pháp kiểm soát xuất khẩu của Tokyo hoàn toàn phù hợp với các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Trong diễn biến liên quan, phát biểu tại cuộc họp báo ngắn ở Tokyo, Bộ trưởng Công nghiệp Nhật Bản Hiroshige Seko khẳng định động thái mới của Tokyo không nhằm mục đích làm tổn hại tới quan hệ song phương. Bộ trưởng Seko nhấn mạnh việc loại Hàn Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia được hưởng ưu tiên xuất khẩu đặc biệt từ Nhật Bản không đồng nghĩa với việc hạn chế thương mại và không gây tổn hại tới các mối quan hệ song phương hay có tác động tiêu cực tới các công ty Nhật Bản. Quan chức trên lưu ý Nhật Bản chỉ sẵn sàng đàm phán khi Hàn Quốc đáp ứng yêu cầu sửa đổi những thông báo của phía này sau một cuộc họp hồi thàng 7 vừa qua giữa phái đoàn hai nước về vấn đề trên.
Sáng cùng ngày, Nội các Nhật Bản đã phê chuẩn đề xuất loại bỏ Hàn Quốc khỏi "Danh sách Trắng" trong một động thái mà Seoul cho là để trả đũa phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc đòi một số công ty Nhật Bản bồi thường cho các nạn nhân Hàn Quốc bị ép buộc lao động trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên. Theo quyết định mới, từ ngày 28/8 tới, khoảng hơn 1.000 mặt hàng xuất khẩu của Nhật Bản sang Hàn Quốc sẽ phải trình chính phủ phê duyệt với từng đơn hàng một.
Tokyo cũng có thể tùy ý điều chỉnh thời gian thẩm định với các đơn hàng xuất khẩu. Hiện "Danh sách Trắng" có 27 quốc gia, như Mỹ, Anh, Pháp… theo đó, Nhật Bản cho phép các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ngoài danh mục quy định không cần phải kiểm tra, cấp phép riêng đối với từng hợp đồng mà chỉ cần một giấy phép chung. Nhật Bản đã đưa Hàn Quốc vào "Danh sách Trắng" từ năm 2004 và Hàn Quốc là nước đầu tiên bị loại khỏi danh sách này.