Tổng thống Hàn Quốc kêu gọi thực hiện chính sách tài chính thời chiến

Người dân di chuyển trên đường phố tại Seoul, Hàn Quốc ngày 10/5/2020 - Ảnh: THX/TTXVN

* Nhật Bản công bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc

Ngày 25/5, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi thực hiện một chính sách tài chính năng động như trong thời chiến để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh COVID-19 gây ra.

Lời kêu gọi này được đưa ra trong bối cảnh người dân xứ sở Kim chi lo ngại về năng lực tài chính của Hàn Quốc.

Phát biểu tại một cuộc họp về chiến lược tài chính quốc gia thường niên, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh hiện chưa thể dự đoán về việc nền kinh tế toàn cầu chạm đáy và thế giới đang trải qua tình huống kinh tế cấp bách như trong thời kỳ xảy ra chiến tranh. Ông nhấn mạnh cần phải huy động toàn bộ khả năng tài chính của chính phủ.

Tổng thống Moon Jae-in cũng đồng thời hối thúc việc nhanh chóng giải ngân các khoản ngân sách bổ sung, khẳng định Hàn Quốc vẫn còn dư địa cho một chính sách tài khóa mở rộng hơn.

Ông lưu ý tỉ lệ nợ công của Hàn Quốc ở mức 41% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), tính cả hai khoản ngân sách bổ sung trước đây để giảm thiểu những tác động của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế. Tỉ lệ nợ trung bình so với GDP của các nước thành viên Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) khác mà Hàn Quốc là thành viên là 110%.

Liên quan đến dịch COVID-19, Hàn Quốc dự kiến áp dụng hệ thống quét mã QR tăng cường phòng dịch COVID-19. Sau vụ lây nhiễm tập thể từ ổ dịch khu Itaewon (quận Yongsan, thủ đô Seoul), các ca nhiễm COVID-19 mới tại Hàn Quốc liên tục gia tăng, chủ yếu liên quan đến các phòng "coin karaoke" (phòng karaoke thanh toán bằng cách đút tiền xu thẳng vào máy) hay quán bar.

Chính phủ Hàn Quốc đã lập danh sách 9 địa điểm có nguy cơ lây nhiễm cao, trong đó có quán rượu, tụ điểm ăn nhậu, phòng karaoke, phòng tập thể dục thể thao. Các quán "coin karaoke" sẽ bị đóng cửa từ ngày 25/5 - 7/6 và những trường hợp không tuân thủ, gồm cả chủ sở hữu và khách sử dụng dịch vụ, đều bị phạt hành chính đến 3 triệu won (hơn 2.400 USD) theo Luật Phòng ngừa bệnh truyền nhiễm.

Bên cạnh đó, do có nhiều ý kiến cho rằng công tác ghi danh sách người ra vào các địa điểm vui chơi không đảm bảo được tính chính xác, nên chính quyền các địa phương dự kiến bắt đầu từ tháng 6 sẽ ứng dụng hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại.

Chính quyền nhiều địa phương tại Hàn Quốc như thủ đô Seoul, tỉnh Gyeonggi, TP Incheon, TP Daegu đã ban lệnh cấm người dân tụ tập tại các quán rượu, phòng karaoke và chuẩn bị ứng dụng hệ thống điện tử quét mã QR trên điện thoại để lưu danh sách người ra vào các địa điểm có nguy cơ lây nhiễm virus COVID-19 cao.

Cơ quan phòng dịch cho biết chỉ thu thập thông tin cá nhân tối thiểu cần thiết cho công tác điều tra dịch tễ và sẽ mã hóa và xóa tự động các thông tin này sau 4 tuần.

Trong khi đó, nhiều nhà máy sản xuất tại nước ngoài của các tập đoàn lớn như Samsung và LG đã hoạt động trở lại sau thời gian dài buộc phải đóng cửa do dịch COVID-19 lan rộng toàn cầu.

Cụ thể, nhà máy sản xuất điện thoại di động của Công ty Điện tử Samsung tại TP Noida, Ấn Độ đã hoạt động trở lại từ ngày 7/5, nhà máy sản xuất đồ gia dụng cũng của công ty này tại thành phố Chennai từ ngày 14/5. Nhà máy sản xuất đồ điện gia dụng của Công ty Điện tử LG tại TP Pune và Noida cũng hoạt động trở lại lần lượt từ ngày 17 và 21/5 sau khi lệnh hạn chế di chuyển ở Ấn Độ kết thúc.

Các nhà máy của Samsung và LG đặt tại Mỹ và châu Âu cũng đã cho công nhân quay trở lại làm việc từ cuối tháng 4, đầu tháng 5 khi lệnh hạn chế di chuyển ở các nước này được nới lỏng.

Trong một tin liên quan, 20 ngày sau khi Chính phủ hai nước Hàn - Trung đạt thỏa thuận miễn cách ly 2 tuần cho nhân viên Hàn Quốc khi nhập cảnh Trung Quốc sau khi có kết quả xét nghiệm âm tích với virus SARS-CoV-2, đã có hơn 1.000 nhân viên thuộc các tập đoàn lớn như Samsung, LG và SK tới Trung Quốc.

Tất cả đều là nhân viên liên quan tới các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc như chíp bán dẫn, màn hình và pin, tới Trung Quốc để giúp đẩy nhanh tốc độ sản xuất sau thời gian dài đình trệ do dịch COVID-19.

Trong khi đó, Bộ Giao thông vận tải Hàn Quốc thông báo từ ngày 27/5, các hãng hàng không của nước này sẽ yêu cầu tất cả hành khách trên các chặng bay nội địa và quốc tế phải đeo khẩu trang trên máy bay do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan.

Hãng hàng không quốc gia Korean Air Lines sẽ mở rộng phạm vi áp dụng quy định bắt buộc đeo khẩu trang đối với hành khách trên các tuyến bay quốc tế sau khi trở thành hãng hàng không đầu tiên của Hàn Quốc đưa ra quy định này trên các tuyến nội địa từ ngày 18/5. Các hãng hàng không khác như Asiana Airlines - hãng hàng không lớn thứ hai ở Hàn Quốc, và 7 hãng hàng không giá rẻ cũng cho biết sẽ tuân thủ yêu cầu của chính phủ.

* Ngày 25/5, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe công bố dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh COVID-19 tại 5 tỉnh, thành còn lại trên toàn quốc. Cụ thể, lệnh tình trạng khẩn cấp được dỡ bỏ nốt tại thủ đô Tokyo, các tỉnh Kanagawa, Chiba và Saitama và Hokkaido. Với thông báo mới này, chính phủ đã cho phép các công dân tự do đi lại và doanh nghiệp nối lại hoạt động trên cả nước.

Trước đó, Nhật Bản áp đặt tình trạng khẩn cấp ngày 7/4 vừa qua đối với các thành phố Tokyo, Osaka và các vùng đô thị khác trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 ở các khu vực này tương đối cao, và mở rộng áp dụng toàn quốc. 42 tỉnh, thành trong tổng số 47 tỉnh, thành của Nhật Bản sau đó đã được dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp, trong khi 5 tỉnh, thành còn lại nói trên dự kiến áp dụng đến ngày 31/5.

Trong diễn biến khác, tờ Nikkei (Nhật Bản) ngày 25/5 đưa tin nước này đang xem xét một gói kích thích mới trị giá hơn 929 tỉ USD chủ yếu bao gồm các chương trình cứu trợ tài chính cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Gói kích thích trên thuộc ngân sách bổ sung thứ hai cho tài khóa hiện tại bắt đầu vào tháng 4 vừa qua và được đưa ra sau kế hoạch chi tiêu kỷ lục trị giá 1.100 tỉ USD mà Nhật Bản triển khai hồi tháng trước nhằm giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế.

Theo Nikkei, trong ngân sách bổ sung thứ hai trị giá 100.000 tỉ yen (929,45 tỉ USD), 60.000 tỉ yen để mở rộng các chương trình cho vay dành cho các doanh nghiệp thông qua các thể chế tài chính tư nhân và liên kết với nhà nước.

Bên cạnh đó, 27.000 tỉ yen nữa sẽ được dành cho các chương trình cứu trợ tài chính khác, trong đó có 15.000 tỉ yen cho một chương trình mới nhằm “bơm” vốn cho các công ty đang gặp khó khăn. Ngoài ra, gói ngân sách lần này còn bao gồm tiền trợ cấp để hỗ trợ các doanh nghiệp trả tiền thuê và lương cho nhân viên khi ngừng hoạt động kinh doanh.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ họp để thông qua ngân sách trên vào ngày 27/5.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/92/240232/tong-thong-han-quoc-keu-goi-thuc-hien-chinh-sach-tai-chinh-thoi-chien.html