Tổng thống Macron công bố nghị trình ưu tiên '5 điểm' khi Pháp làm Chủ tịch EU
Trên cương vị Chủ tịch luân phiên Liên minh châu Âu (EU), Pháp hướng đến mục tiêu một châu Âu hùng mạnh trên thế giới, một khu vực chủ quyền tuyệt đối, tự do đưa ra những lựa chọn và khả năng định đoạt vận mệnh của mình.
Đó là tuyên bố được Tổng thống Emmanuel Macron đưa ra tại cuộc họp báo ngày 9/12. Nhiệm kỳ chủ tịch 6 tháng tới, bắt đầu từ ngày 1/1/2021, cũng trùng với thời điểm Pháp bầu cử Tổng thống. Dưới đây là nghị trình ưu tiên của EU được ông Macron nêu bật khi Pháp đảm trách vai trò chủ tịch của khối cũng như mối liên quan đến cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022.
1. Cải cách quy chế Schengen: Phát biểu trước báo giới, ông Macron bày tỏ mong muốn hướng đến một châu Âu có đủ năng lực kiểm soát biên giới, đồng thời khẳng định sẽ đưa ra cải cách về khu vực đi lại tự do Schengen trong EU. “Để ngăn chặn quyền tỵ nạn – quyền do lục địa châu Âu sáng lập ra và cũng là niềm tự hào của châu lục, bị làm dụng. Chúng ta cần tích cực hướng đến một châu Âu biết cách bảo vệ biên giới, một châu Âu dưới góc độ là một tổ chức chính trị đủ sức bảo vệ các giá trị của mình”, Tổng thống Pháp nêu quan điểm.
Nhà lãnh đạo Pháp lấy dẫn chứng về những căng thẳng, bất ổn ở sát biên giới EU vừa qua để nêu bật tầm quan trọng của việc cải cách quy chế Schengen. Trong vài tháng qua, EU đã cáo buộc Belarus “khích lệ” người tị nạn vượt biên giới để tràn sang các nước láng giềng thuộc EU như Ba Lan, Litva, Latvia. Belarus bác bỏ cáo buộc này.
2. Bảo vệ mô hình xã hội châu Âu: Nhà lãnh đạo Pháp nhấn mạnh sự cần thiết phải bảo vệ mô hình xã hội châu Âu, kêu gọi tạo lập một mô hình sản xuất và đoàn kết. Trước đó, hồi đầu tháng 3 vừa qua, Pháp đã tổ chức một hội nghị đặc biệt bàn về mô hình tăng trưởng và đầu tư mới cho châu Âu.
Theo ông Macron, EU cần đề ra những quy định mới về ngân sách, xem xét lại khung ngân sách cho EU vốn trước đây được xác định bằng các tiêu chuẩn của Hiệp ước Maastricht. Cụ thể, quy định về thâm hụt ngân sách dưới 3% GDP đối với các nước thành viên EU đã lỗi thời, không còn phù hợp.
3. Hài hòa tham vọng về chống biến đổi khí hậu với phát triển kinh tế: Tổng thống Pháp cam kết “hài hòa các tham vọng về khí hậu với phát triển kinh tế”, đồng thời công bố kế hoạch về thuế carbon biên giới trong EU.
Theo ông, một mục tiêu mà Pháp đề ra khi đảm nhận Chủ tịch EU là thực thi cơ chế điều chỉnh carbon, hay còn gọi là thuế carbon đánh vào hàng hóa nhập khẩu (thuế biên giới carbon) trong EU. Giải pháp này giúp cho khối thực thi được bước chuyển đổi về năng lượng sạch, nhưng vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh. Ông Marcron khẳng định không được phép biến kinh tế châu Âu thành nạn nhân của những nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
4. Chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu: Tổng thống Pháp cũng đưa ra các kế hoạch nhằm biến châu Âu thành "người khổng lồ về chuyển đổi số". Hiện tại, có hai gói dự luật đang được triển khai gồm Đạo luật dịch vụ kỹ thuật số (Digital Services Act - DSA) tập trung xử lý nội dung bất hợp pháp và Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (Digital Market Act) nhằm xử lý các hành vi cản trở cạnh tranh của các tập đoàn công nghệ lớn (Big Tech) với các công ty nhỏ hơn.
Thúc đẩy hai đạo luật này sẽ là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ Chủ tịch EU của Pháp. Theo nhà lãnh đạo Pháp, việc triển khai các quy định mới sẽ tạo ra nền tảng pháp lý và mức độ chịu trách nhiệm của các nền tảng số.
5. Pháp quyền là điều “không thể đàm phán”: Ông Marcron nhìn nhận những thảo luận, tranh cãi về pháp quyền là thực tế đang tồn tại và là nguyên nhân gây ra chia rẽ giữa nhóm nước Đông Âu với Tây Âu. Tuy nhiên pháp quyền là điểm “không thể đàm phán”- ông Marcron nhấn mạnh. Trả lời câu hỏi liên quan đến Thủ tướng Hungary Viktor Orban, Tổng thống Pháp thừa nhận ông Orban vừa là đối thủ chính trị, nhưng cũng lại là đối tác của châu Âu; tất cả đều phải hợp tác cùng nhau vì châu Âu.
6. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2022: Ông Marcon không coi cương vị Chủ tịch EU là vấn đề liên quan mật thiết tới cuộc bầu cử tổng thống Pháp tới đây. Trước đó, ông đã bị dư luận trong nước và nhiều nước châu Âu chỉ trích vì không hoãn cương vị chủ tịch luân phiên của Pháp, một nhân tố đặt ông vào tình thế nhạy cảm nếu ông mở chiến dịch vận động tái tranh cử.
Tại buổi họp báo, nhà lãnh đạo pháp khẳng định “nước Pháp vẫn là nước Pháp” bất kể ai là người thắng cử, cam kết sẽ lãnh đạo chính phủ Pháp cho đến những giây phút cuối cùng trong nhiệm kỳ. Ông Marcon được cho là sẽ tham gia tái tranh cử, tuy nhiên ông vẫn chưa công bố quyết định chính thức về khả năng chạy đua để nắm quyền lãnh đạo nhiệm kỳ hai.