Tổng thống Macron tìm lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp
Ông Macron sẽ bảo vệ những gì lẽ ra là một cuộc cải cách hàng đầu, đồng thời tìm kiếm động lực mới trong 4 năm còn lại của nhiệm kỳ 2 của mình.
Chính phủ của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã vượt qua các cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại Quốc hội Pháp, mở đường cho dự luật gây tranh cãi gay gắt về nâng tuổi nghỉ hưu ở Pháp từ 62 lên 64 trở thành luật.
Để phản đối dự luật, hàng triệu người đã xuống đường ở các thành phố của Pháp trong vài tháng qua. Nhưng giờ đây, sự tức giận của quần chúng hướng nhiều vào cách mà chính sách được thông qua.
Chính phủ đã sử dụng Điều 49.3 của Hiến pháp Pháp để thông qua dự luật để “né” cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện Pháp.
Ông Macron và nhiều nhà kinh tế lập luận rằng Pháp không thể tiếp tục chi trả các khoản trợ cấp hưu trí và các khoản khác trong các chương trình phúc lợi xã hội hào phóng của mình khi dân số già đi, và tỉ lệ công dân trong độ tuổi lao động so với công dân trong độ tuổi nghỉ hưu đang giảm nhanh chóng. Tuổi thọ đã tăng lên 82 ở Pháp, và các dự đoán cho thấy hàng triệu người nghỉ hưu hôm nay sẽ được hưởng chế độ hưu trí trong suốt 1/4 thế kỷ.
Khi các nghiệp đoàn đã kêu gọi một đợt đình công và biểu tình mới vào ngày 23/3 để phản đối cải cách lương hưu của ông Macron, những người biểu tình đã tập trung tại trung tâm Paris vào tối 21/3, đánh dấu ngày biểu tình thứ 6 liên tiếp kể từ khi dự luật được thông qua.
Cũng có các cuộc đụng độ ở các thành phố phía Đông Dijon và Strasbourg trong đêm, trong khi những người biểu tình chặn giao thông ở các khu vực khác của đất nước.
“Mọi con mắt giờ đây hướng về Tổng thống Pháp, người sẽ xuất hiện trên chương trình tin tức hàng ngày của đài truyền hình TF1 và France 2 vào ngày 22/3 để phác thảo những gì đang xảy ra”, người phát ngôn của chính phủ Pháp Oliver Veran cho biết.
Ông Macron sẽ bảo vệ những gì lẽ ra là một cuộc cải cách hàng đầu, đồng thời tìm kiếm động lực mới trong 4 năm còn lại của nhiệm kỳ 2 của mình.
Một số người trong chính phe của ông Macron đã cảnh báo ông không nên tiếp tục công việc như thường lệ trong bối cảnh các cuộc biểu tình bạo lực và đình công rầm rộ là thách thức nghiêm trọng nhất đối với chính quyền kể từ cuộc biểu tình Áo vàng cách đây 4 năm.
“Tất cả chúng ta đều yếu đi. Tổng thống, chính phủ và đa số”, ông Gilles Le Gendre, một nghị sĩ cấp cao trong phe của Macron, nói với tờ Liberation. “Không phải vì dự luật đã được thông qua mà chúng ta có thể làm việc như bình thường”.
Ông Patrick Vignal, một nghị sĩ khác trong phe của ông Macron, đã thẳng thắn kêu gọi Tổng thống đình chỉ dự luật cải cách hưu trí.
Nhưng trong cuộc hội đàm hôm 21/3 với Thủ tướng Elisabeth Borne, người đứng đầu 2 viện của Quốc hội Pháp và các nhà lập pháp cùng phe, để tìm cách thoát khỏi cuộc khủng hoảng chính trị, nhà lãnh đạo Pháp đã kêu gọi bình tĩnh bất chấp áp lực trên đường phố.
Ông Macron cho biết sẽ không có cải tổ chính phủ, không có bầu cử quốc hội mới, không trưng cầu dân ý về cải cách lương hưu gây tranh cãi của ông, và đã loại trừ việc rút lại luật hưu trí, một nguồn tin tham gia cuộc hội đàm nói với Reuters.
Phát biểu trước Quốc hội Pháp, Thủ tướng Elisabeth Borne và Bộ trưởng Lao động Olivier Dussopt cũng nói rõ rằng chính phủ sẽ không thay đổi chiến thuật, trong khi các nghị sĩ đối lập kêu gọi ông Macron sa thải Thủ tướng.
Lãnh đạo Đảng Socialist (Xã hội) Olivier Faure nói với chính phủ Pháp rằng họ đang “đùa với lửa”.
Trong khi đó, liên minh NUPES cánh tả của ông Jean-Luc Mélenchon và Đảng National Rally (Tập hợp Quốc gia) cực hữu của bà Marine Le Pen đã yêu cầu Hội đồng Hiến pháp đánh giá liệu kế hoạch cải cách và cách thức nó được thông qua có vi hiến hay không.
Một khi vượt qua những rào cản cuối cùng này, nó sẽ được Tổng thống Pháp ký thành luật.
“Cải cách được thông qua, nhưng nó không được coi là hợp pháp trong mắt người dân Pháp”, nhà khoa học chính trị Jerome Jaffre nói với đài phát thanh France Inter hôm 21/3. “Đó là nguồn gốc của vấn đề, của sự cay đắng, và nó còn lâu mới được giải quyết”.
Minh Đức (Theo Reuters, Le Monde, AFP/Malay Mail)