Tổng thống Macron tuyên bố về trách nhiệm 'cứu châu Âu' của Anh, Pháp

'Hai nước chúng ta có trách nhiệm đặc biệt đối với an ninh của châu lục', Tổng thống Pháp phát biểu trong chuyến thăm cấp Nhà nước đầu tiên của một nguyên thủ châu Âu đến Anh kể từ sau Brexit.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã kêu gọi châu Âu tìm kiếm nhiều “quyền tự chủ chiến lược” hơn. Trong ảnh, ông Macron phát biểu trước các nhà lập pháp Anh ngày 8/7/2025. Ảnh: Getty Images

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron từ lâu đã kêu gọi châu Âu tìm kiếm nhiều “quyền tự chủ chiến lược” hơn. Trong ảnh, ông Macron phát biểu trước các nhà lập pháp Anh ngày 8/7/2025. Ảnh: Getty Images

Theo tờ Politico, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết quan hệ đối tác Anh-Pháp đang bước vào kỷ nguyên mới, trong đó cả Pháp và Anh đều có “trách nhiệm đặc biệt” trong việc bảo vệ an ninh châu Âu.

Trong bài phát biểu trước lưỡng viện Quốc hội Anh vào ngày đầu tiên của chuyến thăm cấp nhà nước đến London - chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo châu Âu tới Anh kể từ Brexit, Tổng thống Macron cho biết cả London và Paris đều phải “bảo vệ trật tự quốc tế” theo truyền thống của nhà lãnh đạo Anh thời chiến Winston Churchill.

Ông Macron đưa ra lời kêu gọi này trong bối cảnh mà ông gọi là sự coi thường "các quy tắc quốc tế của các thế lực gây bất ổn" đang "cố gắng chia rẽ thế giới vì lợi ích của họ".

“Hai quốc gia của chúng ta có một trách nhiệm đặc biệt đối với an ninh của châu lục,ˮ ông Macron nói. “Điều đang bị đe dọa ở châu Âu hiện nay chính là năng lực của chúng ta trong việc gánh vác trách nhiệm bảo đảm an ninh cho lục địa này, ở một mức độ lớn hơn, bằng chính sức mình.”

Tổng thống Pháp từ lâu đã kêu gọi châu Âu tìm kiếm "quyền tự chủ chiến lược" nhiều hơn và ít phụ thuộc hơn vào Mỹ, đặc biệt là khi nói đến quốc phòng của châu Âu — một động thái có lúc đã loại trừ Vương quốc Anh.

Nhưng lời kêu gọi của ông Macron về việc châu Âu "giảm rủi ro" có thể không được lắng nghe ở Westminster, khi London vẫn kiên quyết gắn bó với mối quan hệ đặc biệt với Washington dưới thời Tổng thống Donald Trump.

"Chúng ta cần giảm rủi ro cho xã hội và nền kinh tế của mình ... Chúng ta cần giảm rủi ro cho sự phụ thuộc quá mức vào Mỹ và Trung Quốc", Tổng thống Pháp nói với các nhà lập pháp Anh. Tuy nhiên, ông nói thêm rằng ông không xếp Trung Quốc và Mỹ vào cùng một rổ.

Tổng thống Macron đã có bài phát biểu tại Điện Westminster sau khi ông và phu nhân Brigitte được Nhà vua Charles III và Hoàng hậu chào đón tại Lâu đài Windsor, nơi họ dẫn đầu đoàn xe ngựa và dùng bữa trưa tại lâu đài. Chuyến đi của ông Macron là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên đến Anh kể từ khi Vua Charles lên ngôi.

Trước đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có bài phát biểu trước quốc hội Anh hai lần mặc dù chuyến đi của ông không phải là chuyến thăm cấp nhà nước đầy đủ, trong khi Tổng thống Donald Trump đã không có bài phát biểu tại Westminster trong chuyến thăm cấp nhà nước năm 2019.

Tổng thống Macron đã sử dụng bài phát biểu này để nhấn mạnh cam kết của mình đối với "liên minh của những người tự nguyện", sáng kiến do Anh và Pháp khởi xướng để bảo vệ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào của Ukraine, mà Tổng thống Pháp mô tả trong bài phát biểu của mình là "tín hiệu cho thấy người châu Âu sẽ không bao giờ từ bỏ Ukraine".

Ông cũng cho biết các nhà lãnh đạo châu Âu cần kêu gọi ngừng bắn ở Gaza mà không có bất kỳ điều kiện nào để chứng minh rằng "không có tiêu chuẩn kép" khi nói đến Trung Đông, đồng thời nêu rõ rằng nỗ lực hướng tới việc công nhận nhà nước Palestine là "con đường duy nhất dẫn đến hòa bình".

Đó là một thông điệp táo bạo ở Vương quốc Anh, nơi đã tránh xa động thái như vậy. Khi được các nghị sĩ chất vấn về vấn đề này vào ngày 7/7, Ngoại trưởng Anh David Lammy chỉ nói rằng ông "hy vọng" nhà nước Palestine sẽ là một phần của bất kỳ tiến trình hòa bình nào.

Sau bài phát biểu tại Quốc hội Anh, Tổng thống Macron có cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Keir Starmer trong ngày 9/7, với nội dung dự kiến sẽ là giải quyết vấn đề di cư bất hợp pháp qua eo biển Manche.

Đề cập đến một trong những thách thức gai góc nhất mà Thủ tướng Anh đang đối mặt, ông Macron cam kết sẽ tăng cường hợp tác để giải quyết vấn đề này và nói: “Chúng ta không thể để các quy định tiếp nhận người của đất nước mình bị các mạng lưới tội phạm coi thường, lợi dụng một cách vô đạo đức niềm hy vọng của quá nhiều con người - những người mà bọn chúng hoàn toàn không có chút tôn trọng nào đối với mạng sống của họ”.

Theo các quan chức, các cuộc thảo luận về cái gọi là thỏa thuận di cư "một vào, một ra" giữa hai nước vẫn đang diễn ra.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tong-thong-macron-tuyen-bo-ve-trach-nhiem-cuu-chau-au-cua-anh-phap-20250709093954908.htm