Tổng thống Mỹ: Con đường Ukraine gia nhập NATO không 'dễ dàng'
Ngày 17/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden tuyên bố quốc gia này sẽ không đưa ra bất kỳ sự sắp xếp đặc biệt nào giúp Ukraine gia nhập liên minh quân sự NATO, bất chấp chiến dịch quân sự đặc biệt Nga đang tiến hành tại nước này.
Theo Politico, câu trả lời trên được ông Biden đưa ra trong một cuộc trò chuyện tại một căn cứ quân sự gần Washington về việc nới lỏng con đường gia nhập NATO của Ukraine, đặc biệt là về Kế hoạch Hành động Tư cách thành viên (MAP) – trở ngại lớn nhất của Kiev cho tới hiện tại. Cụ thể, ông Biden cho biết Ukraine sẽ không được nhận bất kỳ sắp xếp đặc biệt nào do nước này cũng phải “đạt được các tiêu chuẩn giống các thành viên khác”, đồng thời khẳng định Mỹ sẽ không “làm cho quá trình dễ dàng hơn”.
Để có thể gia nhập vào liên minh quân sự này, các yêu cầu từ MAP đòi hỏi các quốc gia ứng cử viên phải thực hiện cải cách quân sự và dân chủ. Các bình luận này của Tổng thống Mỹ được đưa ra trong bối cảnh các nhà lãnh đạo NATO chuẩn bị gặp mặt tại thủ đô Lithuania cho hội nghị thượng đỉnh vào tháng 7 tới.
Hội nghị thượng đỉnh lần này là một bước ngoặt mang tính biểu tượng khi các nhà lãnh đạo NATO hướng tới việc tổ chức phiên họp đầu tiên của Hội đồng NATO - Ukraine với Tổng thống Volodymyr Zelensky tại thủ đô Vilnius của Lithuania. Theo AFP trích dẫn nhận định của Tổng thư ký liên minh Jens Stoltenberg tại Brussels ngày 16/6, cuộc họp sẽ mang lại cho Kyiv một vị trí bình đẳng hơn trên bàn đàm phán“để tham khảo ý kiến và quyết định các vấn đề an ninh”.
Tuy NATO sẽ thắt chặt quan hệ chính trị với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh sắp tới, ông Stoltenberg khẳng định sẽ không có cuộc thảo luận nào về tư cách thành viên NATO của Ukraine trong khuôn khổ sự kiện này. Thay vào đó, ông cho biết: “Chúng tôi sẽ không thảo luận về lời mời tại Hội nghị thượng đỉnh Vilnius, mà là cách chúng tôi có thể đưa Ukraine xích lại gần NATO hơn”.
Kết luận vấn đề, ông bày tỏ sự tin tưởng rằng: “Chúng ta sẽ tìm ra một giải pháp tốt và đạt được sự đồng thuận”.
Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2/2022, các quốc gia NATO đã cung cấp hàng chục tỷ USD tài chính nhằm hỗ trợ nước này về mặt quân sự. Việc Ukraine gia nhập liên minh này được chào đón bởi nhiều thành viên, tuy nhiên cũng gặp phải nhiều lo ngại, đặc biệt là trước viễn cảnh gia tăng đối đầu trực tiếp với Nga.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra, Thụy Điển và Phần Lan cũng là các quốc gia nộp đơn xin gia nhập NATO. Phần Lan đã thành công trở thành thành viên thứ 31 của khối này hồi tháng 4, tuy nhiên quá trình gia nhập của Thụy Điển vẫn đang gặp sự đình trệ tới từ Thổ Nhĩ Kỳ.
NATO vốn muốn Thụy Điển được chấp nhận trước thời điểm các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên gặp nhau trong một hội nghị thượng đỉnh Vilnius, Lithuania vào ngày 11-12/7. Tuy nhiên các tín hiệu hiện tại không ủng hộ cho kịch bản này.
Cụ thể, Thổ Nhĩ Kỳ từ chối phê duyệt đề xuất gia nhập NATO của Thụy Điển với nguyên nhân quốc gia Bắc Âu này vẫn chưa giải quyết tất cả các lo ngại về an ninh của Ankara. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển quá khoan dung đối với các tổ chức khủng bố và các mối đe dọa an ninh, bao gồm các nhóm chiến binh người Kurd và những người có liên quan đến âm mưu đảo chính năm 2016.
Hồi tháng 1/2023, một cuộc biểu tình ở Stockholm liên quan đến việc đốt một bản sao của Kinh Qur'an đã góp phần khiến các cuộc đàm phán về tư cách thành viên của Thụy Điển tại NATO kéo dài hơn nữa. Tiếp đến trong một tuyên bố ngày 13/6, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tiếp tục thể hiện thái độ cứng rắn khi cho biết các bên “không nên mong đợi bất cứ điều gì khác tại Vilnius”.