Tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn 'có ý' với kênh đào Panama, Nga nhắc nhở
Trong những phát ngôn gần đây, thậm chí cả trong bài phát biểu nhậm chức ngày 20/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục tỏ ý định giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama từ quốc gia cùng tên với tuyến đường thủy quan trọng này.
Cụ thể, trong bài phát biểu nhậm chức, Tổng thống Trump nhắc lại sự bất mãn của ông rằng: "Các tàu của Mỹ, kể cả Hải quân, đang bị tính phí quá cao và không được đối xử công bằng dưới bất kỳ hình thức nào. Và trên hết, Trung Quốc đang vận hành kênh đào Panama", bất chấp sự bác bỏ từ phía Panama.
Ngày 22/1, truyền thông Mỹ dẫn nguồn hãng thông tấn nhà nước Nga TASS đưa tin, Vụ trưởng Vụ Mỹ Latinh của Bộ Ngoại giao Nga Alexander Shchetinin, tuyên bố: “Chúng tôi hy vọng, trong các cuộc thảo luận dự kiến giữa giới lãnh đạo Panama và Tổng thống Trump về các vấn đề kiểm soát kênh đào Panama, các bên sẽ tôn trọng chế độ pháp lý quốc tế hiện hành của tuyến đường thủy quan trọng này”.
Theo ông, Nga ủng hộ tính trung lập của kênh đào và hy vọng cả Mỹ và Panama sẽ tiếp tục tôn trọng thỏa thuận đó.
Trên thực tế, kênh đào Panama dài 82 km nối liền hai đại dương này được Mỹ xây dựng và khánh thành vào năm 1914, đóng vai trò quan trọng trong thương mại hàng hóa và năng lượng của Washington.
Tuy nhiên, sau những mâu thuẫn về quyền kiểm soát kênh đào, Mỹ và Panama đàm phán dẫn tới Hiệp ước Torrijos-Carter dưới thời Tổng thống Mỹ khi đó là Jimmy Carter vào năm 1977. Hiệp ước này có hiệu lực vào năm 1979, quy định thời hạn 20 năm cho việc Mỹ trao trả hoàn toàn kênh đào về Panama.
Ngày 31/12/1999, kênh đào Panama đã được trao trả cho Panama. Quốc gia châu Mỹ cam kết đảm bảo tính trung lập vĩnh viễn của tuyến đường thủy này.
Nga là một bên tham gia giao thức trên kể từ năm 1988 và khẳng định nghĩa vụ của mình là tuân thủ tính trung lập vĩnh viễn của kênh đào Panama, ủng hộ việc giữ cho tuyến đường thủy quá cảnh quốc tế này an toàn và thông thoáng.
Trước Nga, ngày 21/1, Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) cũng đã chính thức lên tiếng phản đối mạnh mẽ ý định của Tổng thống Trump trong việc tìm cách giành lại quyền kiểm soát kênh đào Panama.
Tổng thư ký OAS Luis Almagro đã đăng tải trên mạng xã hội X khẳng định, chủ quyền của Panama đối với kênh đào này là "không thể tranh cãi".
Ông cũng nhấn mạnh rằng, mọi hành động đe dọa sử dụng vũ lực nhằm thách thức quyền kiểm soát của Panama là "không được phép và không thể chấp nhận".