Tổng thống Mỹ ký Dự luật chi tiêu tạm thời giúp chính phủ không phải đóng cửa
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa ký ban hành Dự luật chi tiêu tạm thời nhằm ngăn việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa vào ngày hôm nay (17/11, theo giờ địa phương).
Dự luật này đã được cả Hạ viện và Thượng viện Mỹ thông qua trước đó với sự ủng hộ của đa số các nghị sĩ. Theo đó, mức chi tiêu tạm thời của chính phủ sẽ được duy trì đến đầu năm 2024, sau khi các kì nghỉ lễ quan trọng kết thúc. Việc gia hạn này sẽ giúp các nhà lập pháp có thêm thời gian để thống nhất các nội dung chi tiêu của chính phủ trong thời gian tới.
Dự luật được chia thành hai giai đoạn, trong đó chi tiêu trong một số lĩnh vực như xây dựng, phúc lợi cho quân nhân, giao thông, nhà ở, phát triển đô thị, nông nghiệp, năng lượng, nước sạch sẽ được gia hạn đến ngày 19/1/2024; trong khi chi tiêu cho tất cả các hoạt động liên bang khác sẽ được gia hạn đến 2/2/2024.
Dự luật Chi tiêu tạm thời không đề cập khoản chi bổ sung trị giá 106 tỷ USD theo đề nghị của Tổng thống Biden trước đó dành để viện trợ cho Ukraine, Israel và một số vấn đề khác.
Quốc hội Mỹ liên tục rơi vào tình trạng bế tắc tài chính trong năm nay, sau một thời gian dài bế tắc với tổng nợ công lần đầu tiên vượt con số 33.000 tỷ USD vào ngày 18/9 vừa qua, khiến chính phủ liên bang đứng trước nguy cơ vỡ nợ.
Thực tế này khiến Moody's hạ triển vọng xếp hạng tín dụng của Mỹ xuống từ mức ổn định xuống mức tiêu cực vì lo ngại rằng lãi suất cao sẽ tiếp tục đẩy chi phí vay cao hơn.
Chính sách tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát của Mỹ kéo theo chi phí vay nợ của nước này tăng vọt, khiến Washington gánh thêm 162 tỷ USD tiền lãi trong năm tài chính vừa qua so với năm 2022.