Tổng thống Mỹ ra lệnh bán thêm dầu từ kho dự trữ chiến lược
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang lên kế hoạch bán thêm dầu từ kho dự trữ xăng dầu chiến lược quốc gia (SPR) để ngăn chặn những cú sốc nguồn cung mới, có thể khiến giá dầu thô trên thị trường quốc tế cũng như giá xăng tăng cao.
Tờ Wall Street Journal hôm 19-10 dẫn lời các quan chức Nhà Trắng cho hay theo chỉ đạo của Tổng thống Joe Biden, Bộ Năng lượng Mỹ sẽ triển khai việc bán gần 15 triệu thùng dầu cuối cùng trong số 180 triệu thùng từ SPR đã được ông Biden phê duyệt bán hồi tháng 3.
Động thái này diễn ra chỉ vài tuần sau khi nhóm OPEC +, bao gồm Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh, nhất trí giảm sản lượng 2 triệu thùng/ngày kể từ tháng 11 và các quan chức Nga đe dọa giảm thêm nguồn cung để đáp trả các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Các quan chức Nhà Trắng nói rằng chính quyền cần phải kéo dài thời hạn bán dầu từ SPR, dự kiến kết thúc vào cuối tháng 10 theo kế hoạch ban đầu, để chống lại những đợt cắt giảm cung tiềm năng và đảm bảo giá dầu tiếp tục giảm từ mức cao lịch sử hồi đầu năm nay.
Họ cho biết Tổng thống Biden cũng kêu gọi Bộ Năng lượng chuẩn bị bán thêm dầu từ khoảng 400 triệu thùng dầu còn lại của SPR nếu Nga hoặc những nước sản xuất dầu khác làm gián đoạn hơn nữa thị trường thế giới.
Ngoài ra, Nhà Trắng đang lên kế hoạch mới để mua thêm dầu bổ sung vào kho dự trữ khi giá ở mức khoảng 67 – 72 đô la Mỹ/ thùng hoặc thấp hơn, nhằm bảo đảm đáp ứng nhu cầu dầu thô trong tương lai.
Các nhà phân tích nhận định Nhà Trắng đã sử dụng hiệu quả nguồn dầu dự trữ chiến lược để trấn an thị trường và làm dịu cuộc khủng hoảng năng lượng đáng lẽ đã có thể tồi tệ hơn nhiều kể từ khi cuộc chiến Nga-Ukraine nổ ra. Nhưng giờ đây, Mỹ có khả năng phải đối mặt với một thách thức lớn hơn khi chiến tranh kéo dài và một số xung đột địa chính trị khác cũng đang căng thẳng hơn khi SPR đã bị tiêu hao hơn 40% tổng công suất.
Daniel Yergin, Phó chủ tịch S&P Global và là một nhà sử học ngành dầu khí, nói: “SPR được xây dựng để ứng phó khủng hoảng và chúng ta đang ở trong một cuộc khủng hoảng đang ngày càng trầm trọng hơn”.
Khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã giới thiệu một chương trình nghị sự để giải quyết các vấn đề đại dịch, xã hội và biến đổi khí hậu. Nhưng nhiều năm giá năng lượng thấp, nền kinh tế phục hồi và tiếp đó là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine dẫn đến giá xăng dầu leo thang và lạm phát đã trở thành một vấn đề chính trị quan trọng, có nguy cơ khiến đảng Dân chủ của ông Biden mất quyền lực tại Quốc hội sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng tới.
Ông Biden đã cố gắng giải quyết vấn đề đó và làm giảm quyền lực của Nga trên thị trường dầu bằng quyết định bán tới 1 triệu thùng / ngày từ SPR trong sáu tháng bắt đầu từ tháng 5. Đây là đợt giảm bán dầu dự trữ lớn nhất từ trước đến nay của Mỹ.
Giá dầu thô giao sau của Mỹ đã giảm hơn 20% kể từ khi ông Biden tuyên bố bán dầu dự trữ. Trong khi đó, giá xăng bán lẻ ở Mỹ giảm mạnh từ mức kỷ lục hồi tháng 5 nhưng bắt đầu tăng lại trong những tuần gần đây.
Động thái bán dầu dự trữ được kỳ vọng sẽ giúp các công ty dầu mỏ Mỹ và các nước sản xuất dầu khác bên ngoài OPEC+ có thời gian để tăng sản lượng. Trái ngược với mong đợi đó, sản lượng dầu của Mỹ đang bắt đầu giảm. Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cũng hạ dự báo sản lượng dầu ở Mỹ lẫn tổng sản lượng dầu của thế giới vào năm 2023.
OPEC+ đã giáng một đòn mạnh hơn vào chính quyền Mỹ khi đồng ý giảm sản lượng 2 triệu thùng mỗi ngày bắt đầu từ tháng tới. Con số này tương đương khoảng 2% tổng sản lượng dầu hàng ngày của thế giới. Dù vậy, ảnh hưởng hàng ngày từ việc cắt giảm sản lượng này đến doanh số bán dầu trên thế giới có thể ít hơn nhiều vì các thành viên OPEC đang sản xuất dưới mức mục tiêu của họ.
Mỹ và các đồng minh trong nhóm G7 đang chuẩn bị áp trần giá dầu của Nga trên thị trường toàn cầu như một phần của cuộc chiến kinh tế của phương Tây với Moscow. Các quan chức G7 dự kiến sẽ đưa ra mức giới hạn giá dầu Nga trước ngày 5 -12.
Các quan chức Nga đã nhiều lần nói rằng họ sẽ không bán dầu dưới giá trần mà phương Tây áp đặt.
Phát biểu tại một diễn đàn quốc tế tại Tuần lễ năng lượng Nga vào ngày 12 -10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: “Tôi sẽ trích dẫn lời của nhà kinh tế học người Mỹ Milton Friedman, người đoạt giải Nobel kinh tế: Nếu bạn muốn tạo ra sự thiếu hụt, ví dụ như cà chua, thì bạn chỉ cần thông qua luật cấm các nhà bán lẻ không được bán cà chua với giá hơn 2 cent mỗi pound (0,45kg). Bạn sẽ ngay lập tức bị thiếu cà chua. Dầu hoặc khí đốt cũng vậy”.
Các nhà phân tích cho rằng qua lời phát biểu đó, ông Putin ngầm đe dọa sẽ hạn chế nguồn cung dầu.
Neil Beveridge, nhà phân tích năng lượng cấp cao tại Công ty Sanford C. Bernsteinm, nhận định quyết định giảm sản lượng của OPEC và Nga, kết hợp với nhu cầu phục hồi từ Trung Quốc khi nền kinh tế nước này thoát ra khỏi đại dịch Covid-19, sẽ dẫn đến sự thiếu hụt mới về nguồn cung dầu. Nhóm nghiên cứu của Beveridge dự báo điều đó có thể đẩy giá dầu thô tăng trở lại mức 120 đô la Mỹ/ thùng vào cuối năm 2023.
“Đó là lúc bạn thực sự cần bán dầu dự trữ. Và nếu SPR của Mỹ cạn kiệt một phần, giá dầu có thể tăng mạnh hơn nữa”, Beveridge cảnh báo.
Theo WSJ
Lê Linh