Tổng thống Nam Phi nói bắt ông Putin đồng nghĩa tuyên chiến với Nga
Theo AP, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa nhận định việc bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin theo lệnh của Tòa án Hình sự quốc tế (ICC) sẽ tương đương với lời tuyên bố chiến tranh với Nga.
Tổng thống Putin được mời dự hội nghị thượng đỉnh khối BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) vào tháng 8 tại Nam Phi nhưng đang là mục tiêu bắt giữ của ICC, trong đó Nam Phi là một thành viên có nghĩa vụ thi hành mệnh lệnh.
Ngày 17.3, ICC đã phát lệnh bắt giữ Tổng thống Putin, cáo buộc ông vi phạm tội ác chiến tranh. Moscow phản ứng gay gắt, gọi các cáo buộc là "không thể chấp nhận được", nhấn mạnh lệnh bắt giữ là "vô hiệu theo quan điểm pháp lý".
Đảng Liên minh Dân chủ (DA), đảng đối lập chính tại Nam Phi, đang tìm cách buộc chính quyền tuân thủ mệnh lệnh của ICC nếu Tổng thống Putin đặt chân đến nước này.
Nhưng trong văn bản trả lời tòa án, ông Ramaphosa cho rằng đòi hỏi của DA là "vô trách nhiệm" và cho biết an ninh quốc gia sẽ bị đe dọa.
"Nga đã nói rõ rằng việc bắt giữ tổng thống đương nhiệm của họ sẽ là một lời tuyên chiến. Sẽ không phù hợp với Hiến pháp của chúng ta nếu mạo hiểm tiến đến chiến tranh với Nga", ông Ramaphosa nói.
Tháng trước, ông Ramaphosa dẫn đầu một phái đoàn hòa bình gồm 7 quốc gia châu Phi, trong đó có lãnh đạo của Ai Cập, Senegal và Zambia, thăm Kyiv và Saint Petersburg để nêu kiến nghị hòa bình.
Nhà lãnh đạo cho hay Nam Phi đang xin ICC cấp quyền miễn trừ dựa trên lý lẽ rằng việc bắt giữ có thể đe dọa an ninh, hòa bình và trật tự đất nước.
Phó tổng thống Nam Phi Paul Mashatile gần đây cho biết chính quyền cũng đã cố gắng thuyết phục ông Putin không đến dự hội nghị nhưng chưa thành công. Trong bình luận mới nhất sau khi văn bản nộp tòa án được công bố, Tổng thống Ramaphosa gọi đây là vấn đề ngoại giao phức tạp.
Bên cạnh đó, Nghị viện châu Âu kêu gọi các nước và tổ chức thuộc EU xin lệnh bắt của ICC đối với Tổng thống Belarus Lukashenko vì sơ tán trẻ em Ukraine.
"Các thành viên Nghị viện châu Âu kêu gọi ICC xem xét phát lệnh bắt đối với Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, tương tự như với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Ủy viên Quyền trẻ em Nga Maria Lvova-Belova", thông cáo báo chí của Ủy ban Đối ngoại Nghị viện châu Âu (AFET) ngày 18.7 cho hay.
AFET cùng ngày thông qua báo cáo về tình hình ở Belarus, trong đó cho rằng Belarus phải chịu trách nhiệm về "những thiệt hại và tội ác đã gây ra ở Ukraine", gồm cả vai trò của nước này trong việc sơ tán trẻ em bất hợp pháp từ khu vực chiến sự.
Giới chức Belarus chưa bình luận về thông tin.