Tổng thống Nam Phi thăm Mỹ: Nỗ lực tái khởi động
Chuyến thăm Washington D.C phản ánh nỗ lực của Pretoria nhằm cài đặt lại quan hệ vốn không ít trắc trở giữa Mỹ và Nam Phi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tại Nhà Trắng. (Nguồn: X/@PresidencyZA)
Ngày 19/5, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa bắt đầu chuyến thăm chính thức tới Washington D.C, dự kiến có cuộc gặp quan trọng với người đồng cấp nước chủ nhà Donald Trump tại Nhà Trắng ngày 21/5 (giờ địa phương). Văn phòng Tổng thống Nam Phi không chia sẻ lịch trình chi tiết của cuộc gặp, song khẳng định chuyến thăm “sẽ là cơ hội để khởi động lại quan hệ giữa hai quốc gia”.
Vấn đề nhức nhối
Điểm nóng nhất trong quan hệ song phương ở thời điểm hiện tại là lập trường của hai bên về cộng đồng người da trắng thiểu số tại Nam Phi. Tổng thống Donald Trump và tỷ phú Elon Musk, một người da trắng gốc Nam Phi, đã nhiều lần chỉ trích chính quyền của Tổng thống Ramaphosa phân biệt đối xử với cộng đồng này, đặc biệt sau khi nhà lãnh đạo Nam Phi ký ban hành Luật Quốc hữu hóa, cho phép chính phủ có quyền tịch thu đất và trong một số trường hợp, không cần bồi thường. Như vậy, Pretoria có thể tịch thu đất từ các chủ sở hữu và phân bổ lại cho các nhóm yếu thế như phụ nữ và người khuyết tât.
Vừa qua, ông Trump đã đề cập lo ngại của cộng đồng người da trắng (Afrikaner) tại Nam Phi, cho rằng chính quyền ông Ramaphosa sẽ tước quyền sở hữu đất và trao cho các cộng đồng người da màu đa số. Nhóm này cũng quan ngại về một số vụ tấn công bạo lực nhắm vào họ, vốn dẫn đến thương vong trong thời gian qua, thậm chí gọi đây là “diệt chủng”.
Tuy nhiên, trong bài phát biểu tại Diễn đàn CEO châu Âu ở Abidjan tại Bờ Biển Ngà ngày 13/5, ông Ramaphosa phủ nhận thông tin này, cho rằng Mỹ đã “hiểu sai vấn đề” khi nhầm lẫn vấn đề tội phạm bạo lực với tình trạng phân biệt chủng tộc.
Tỷ phú Elon Musk, chủ sở hữu của công ty vệ tinh Starlink, cũng chỉ trích đạo luật trao quyền cho người da màu. Luật này yêu cầu các tập đoàn lớn và doanh nghiệp cần được sở hữu bởi các nhóm yếu thế, trong đó có người da màu, để ký kết hợp đồng với chính phủ. Điều này khiến ông, một người da trắng, không thể ký kết hợp đồng với chính phủ nhằm triển khai hoạt động ở Nam Phi.
Bài toán cam go
Một bài toán khác không kém phần cam go là câu chuyện thuế quan và viện trợ. Từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã triển khai một loạt chính sách kinh tế, mang tới nhiều hệ quả tiêu cực với Nam Phi. Đầu tiên, đó là sắc lệnh trì hoãn viện trợ tới tất cả các quốc gia trong 90 ngày.
Điều này gây gián đoạn nguồn tài chính cho hoạt động nghiên cứu, điều trị các căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là HIV mà Nam Phi là nơi có số bệnh nhân lớn nhất thế giới. Hiện Mỹ cung cấp 18% ngân sách cho nghiên cứu, điều trị căn bệnh thế kỷ tại đây, lên tới 462 triệu USD (2023).
Đó là chưa kể tới các khoản viện trợ bị Mỹ cắt giảm riêng với Nam Phi do ông Trump cáo buộc Pretoria “phân biệt đối xử không công bằng”, kiện Israel lên Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) vì “có hành động diệt chủng” tại dải Gaza.
Đồng thời, Nam Phi chịu mức thuế quan do Mỹ áp dụng tháng Tư vừa qua. Theo đó, hàng hóa xuất khẩu từ nước này vào xứ cờ hoa sẽ bị đánh thuế tới 30%. Ngoài ra, xe ô tô nhập khẩu từ Nam Phi sẽ phải chịu 25% thuế bổ sung. Đáp lại, ông Ramaphosa gọi hành động của Mỹ chẳng khác nào một “sự trừng phạt” và quyết định này sẽ “cản trở thương mại và thịnh vượng chung”.
Hiện Pretoria đang nỗ lực để Washington đảo ngược chính sách thuế quan. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi Mỹ là đối tác thương mại lớn thứ hai của Nam Phi, sau Trung Quốc. T
heo Đạo luật Cơ hội phát triển châu Phi năm 2000 về miễn thuế, Nam Phi sẽ bán đá quý, sắt thép, xe ô tô cho Mỹ và mua dầu thô, sản phẩm điện tử và máy bay. Song ngay cả đạo luật này, với sự tham gia của 32 nước châu Phi, cũng đứng trước ngưỡng cửa bị hủy bỏ nếu Mỹ không gia hạn vào năm nay.

Phái đoàn của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa tới sân bay quân sự Andrews, Washington D.C (Mỹ) ngày 19/5. (Nguồn: X/@PresidencyZA)
Những điểm nóng
Bên cạnh các vấn đề trong quan hệ song phương, Tổng thống Cyril Ramaphosa và người đồng cấp Donald Trump dự kiến thảo luận về một số điểm nóng trên toàn cầu, nổi bật là tình hình Dải Gaza và xung đột Nga - Ukraine. Trong đó, câu chuyện về đơn kiện Israel của Nam Phi lên ICJ sẽ xuất hiện.
Ngày 29/12/2023, Pretoria đã đệ đơn kiện Nhà nước Do Thái vì có “hành vi diệt chủng” tại Dải Gaza. Động thái này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ chính quyền của ông Biden và sau đó là ông Trump. Ông chủ Nhà Trắng gọi đây là hành động “hung hăng” và đã cắt giảm mọi viện trợ tới Pretoria.
Tuy nhiên, Tổng thống Ramaphosa khẳng định: “Kiên định với các nguyên tắc của mình đôi khi sẽ mang lại một số hệ quả, song chúng tôi tin tưởng điều này quan trọng với thế giới và nguyên tắc về pháp quyền”.
Xung đột Nga-Ukraine cũng nhiều khả năng xuất hiện trong cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo. Ở thời điểm hiện tại, chính quyền ông Trump đã cho thấy nỗ lực tích cực trong thúc đẩy tiến trình hòa đàm giữa Moscow và Kiev, dù chưa thực sự mang tới kết quả cụ thể.
Trong khi đó, Pretoria duy trì lập trường trung lập và kêu gọi các bên cùng đối thoại. Không chỉ là đồng minh truyền thống với Liên Xô và Nga sau này, Nam Phi còn cùng Nga, Trung Quốc, Brazil và Ấn Độ đồng sáng lập Nhóm các nền kinh tế mới nổi (BRICS). Hiện Nam Phi chưa lên tiếng chỉ trích Nga và không tham gia bỏ phiếu các nghị quyết của Liên hợp quốc về nội dung này.
Ở chiều ngược lại, Pretoria duy trì quan hệ thân thiện với Kiev; Tổng thống Ramaphosa đã đón người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky thăm cấp Nhà nước hồi tháng Tư, trao đổi về xung đột và thương mại. Trên cơ sở đó, ông Ramaphosa và người đồng cấp Donald Trump có thể nhất trí kêu gọi Nga và Ukraine tiếp tục đàm phán, chủ động tìm kiếm giải pháp cho xung đột.
Song liệu sự đồng thuận hiếm hoi này có thể tạo tiền đề để hai bên khởi động lại quan hệ, khỏa lấp khác biệt lớn đang tồn tại? Câu trả lời còn ở phía trước.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-nam-phi-tham-my-no-luc-tai-khoi-dong-315173.html