Tổng thống Nga tuyên bố muốn chấm dứt cuộc xung đột càng sớm càng tốt

Ngày 22/12, trả lời các phóng viên sau cuộc họp của Hội đồng Nhà nước, Tổng thống Nga V.Putin tuyên bố muốn chấm dứt cuộc xung đột ở Ukraine càng sớm càng tốt. Ông cũng nhấn mạnh rằng, Nga chưa bao giờ từ chối đàm phán.

Tổng thống Nga V.Putin nhắc nhớ rằng, tình hình ở Ukraine đã bắt đầu từ năm 2014, sau cuộc đảo chính. Mục tiêu của Nga không phải là thúc đẩy xung đột mà là chấm dứt chiến sự.

Ông nhấn mạnh: “Chúng tôi đang phấn đấu vì điều này và sẽ tiếp tục phấn đấu. Chúng tôi cố gắng đảm bảo rằng việc này sẽ kết thúc và tất nhiên là càng sớm càng tốt.”

Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga lưu ý rằng, gia tăng nhịp độ chiến sự dẫn đến những tổn thất phi lý. Theo ông, mọi cuộc xung đột, xung đột vũ trang đều kết thúc bằng đàm phán, ngoại giao và Nga chưa bao giờ từ chối. Lãnh đạo của Ukraine đã tự cấm đàm phán.

Tổng thống Nga - Putin. (Ảnh: rianovosti)

Tổng thống Nga - Putin. (Ảnh: rianovosti)

Tổng thống Putin cho rằng, sớm hay muộn, bất kỳ bên nào trong tình trạng xung đột đều ngồi vào bàn đàm phán. Những người chống lại Nga nhận thức được điều này càng sớm thì càng tốt.

Trả lời câu hỏi, có thể coi việc Mỹ cung cấp cho Ukraine tổ hợp tên lửa Patriot là tham gia nhiều hơn vào cuộc xung đột, Tổng thống Putin cho rằng, họ đã làm điều này trong một thời gian dài, từ lâu, trong không gian Xô Viết và hậu Xô Viết, nhằm chia rẽ thế giới Nga. Theo ông, cung cấp cho Ukraine tổ hợp tên lửa Patriot sẽ chỉ kéo dài cuộc xung đột.

Tổng thống Putin chỉ rõ: “Nói về Patriot, đó là một hệ thống khá cũ. Nó không hoạt động như S-300 của chúng tôi. Tuy nhiên, những người phản đối chúng tôi xuất phát từ thực tế rằng, đây được cho là vũ khí phòng thủ. Chúng tôi sẽ ghi nhớ điều đó và sẽ luôn có “thuốc giải”. Vì vậy, những người làm điều này là vô ích: nó chỉ kéo dài xung đột.”

Bình luận về nguồn lực của các nước phương Tây và các nước NATO, nhà lãnh đạo Nga cho rằng, chúng không đến mức cạn kiệt. Vấn đề là Ukraine nhận được vũ khí từ các quốc gia thuộc Hiệp ước Warsaw trước đây, chủ yếu là do Liên Xô sản xuất. Nguồn này, nếu chưa hoàn toàn bằng không thì cũng đang tiến tới điều đó.

Nhưng điều này không có nghĩa là các nước phương Tây, các nước NATO không có các thiết bị khác. Vấn đề là không dễ dàng chuyển sang các hệ thống vũ khí mới, bao gồm cả những hệ thống của NATO, cần chuẩn bị, huấn luyện nhân viên, dự trữ vũ khí, phụ tùng thay thế, bảo dưỡng và sửa chữa nó. Đây là một câu hỏi lớn và không hề dễ dàng./.

PV/VOV-Moscow

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tong-thong-nga-tuyen-bo-muon-cham-dut-cuoc-xung-dot-cang-som-cang-tot-post992228.vov