Tổng thống Nga và Chủ tịch Trung Quốc sẽ lại gặp gỡ vào tháng 7-2024
Ngày 21-5, SCMP dẫn phát ngôn của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho biết, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Kazakhstan vào tháng 7.
Đây sẽ là cuộc gặp thứ hai giữa các nhà lãnh đạo hàng đầu của Trung Quốc và Nga trong khoảng hai tháng, sau chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới Trung Quốc vừa qua.
Chia sẻ trong cuộc họp với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị bên lề hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Ngoại trưởng Nga cho biết, lãnh đạo cấp cao hai nước sẽ gặp gỡ trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh SCO ở Astana (Kazakhstan) vào tháng 7-2024.
Trung Quốc và Nga đều là thành viên sáng lập của SCO, một nhóm chính trị, kinh tế và an ninh khu vực. SCO được thành lập vào năm 2001 bởi Trung Quốc, Nga và bốn quốc gia Trung Á thuộc Liên Xô cũ. Năm 2017, Ấn Độ và Pakistan trở thành thành viên cấp nhà nước và năm ngoái Iran đã trở thành thành viên đầy đủ.
Chia sẻ trong cuộc họp, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cũng nói với người đồng cấp Nga rằng, hai nước nên tăng cường hỗ trợ lẫn nhau và tăng cường nỗ lực chung để đảm bảo sự ổn định trong khu vực.
Người đứng đầu ngành Ngoại giao Trung Quốc cũng nhấn mạnh, một SCO gắn bó chặt chẽ "không chỉ đáp ứng lợi ích chung của các quốc gia thành viên mà còn đi cùng với xu hướng đa cực trên thế giới".
"Trung Quốc sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với Nga và các quốc gia thành viên khác để giữ cho SCO đi đúng hướng, cùng nhau bảo vệ tình hình chung về an ninh, ổn định và phát triển khu vực, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của quản trị toàn cầu theo hướng công bằng và hợp lý hơn" - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Theo Bộ Ngoại giao Nga, hai nhà ngoại giao cũng đã trao đổi quan điểm về "nhiều vấn đề cấp bách, bao gồm tiến trình hòa bình Trung Đông, diễn biến ở khu vực Biển Đỏ và tình hình trên bán đảo Triều Tiên".
Họ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xây dựng "một khuôn khổ an ninh mới cho khu vực Á-Âu, đặc biệt là trong bối cảnh trì trệ của cơ chế châu Âu-Đại Tây Dương".