Tổng thống Palestine cáo buộc Israel phá hỏng ý tưởng 2 nhà nước
Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm thứ Sáu (24/9) đã cáo buộc Israel có các hành động phá hủy giải pháp hai nhà nước.
Phát biểu trước Đại hội đồng LHQ thông qua video từ Bờ Tây, ông Abbas, 85 tuổi, kêu gọi cộng đồng quốc tế hành động để cứu vãn giải pháp hai nhà nước mà trong nhiều thập kỷ qua là nền tảng ngoại giao cho cuộc xung đột Israel-Palestine.
Ông Abbas phát biểu tại LHQ. Ảnh: Reuters
Ông Abbas nói rằng Israel đang "phá hủy triển vọng về một giải pháp chính trị dựa trên giải pháp hai nhà nước" thông qua các khu định cư của họ trên đất Bờ Tây mà nước này chiếm được trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967.
Hầu hết các quốc gia xem các khu định cư là bất hợp pháp, điều mà Israel phản đối.
Ông Abbas nói: “Nếu chính quyền của Israel tiếp tục thúc đẩy một nhà nước phân biệt chủng tộc như ngày nay, người dân Palestine của chúng tôi và toàn thế giới sẽ không thể chịu đựng được tình trạng như vậy. Israel bác bỏ cáo buộc phân biệt chủng tộc.
"Hoàn cảnh thực tế chắc chắn sẽ phải công nhận các quyền chính trị bình đẳng và đầy đủ cho tất cả mọi người trên đất Palestine lịch sử. Israel sẽ phải lựa chọn", ông nói.
Không có bình luận ngay lập tức của Israel về nhận xét của ông Abbas.
Những người chỉ trích cho rằng sự chia rẽ nội bộ của người Palestine cũng đã góp phần gây ra bế tắc trong các cuộc đàm phán hòa bình do Mỹ bảo trợ, vốn đã sụp đổ vào năm 2014.
Theo các hiệp định hòa bình tạm thời với Israel, Palestine cũng được quyền kiểm soát ở Gaza. Nhưng phong trào Hamas đã chiếm giữ khu vực ven biển vào năm 2007 và các cuộc đàm phán liên tục trong nhiều năm đã không thể phá vỡ sự bế tắc.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett, người thuộc phe cực hữu, người đứng đầu một liên minh đa đảng, đã phản đối chế độ nhà nước của người Palestine. Chính phủ của ông đã tuyên bố sẽ tránh những lựa chọn nhạy cảm đối với người Palestine và thay vào đó tập trung vào các vấn đề kinh tế.
Trong bài phát biểu tại LHQ, ông Abbas đe dọa hủy bỏ sự công nhận của người Palestine đối với Israel nếu nước này không rút khỏi Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem trong vòng một năm.
"Nếu điều này không đạt được, tại sao chúng tôi phải tiếp tục công nhận Israel dựa trên các đường biên giới năm 1967?", ông Abbas nói.
Trong khi một số người Palestine và Israel ủng hộ ý tưởng về một nhà nước song quốc duy nhất, hầu hết đều có những ý tưởng rất khác nhau về việc thực thể đó trông như thế nào và sẽ được quản lý ra sao.
Hầu hết các nhà phân tích cho rằng một nhà nước duy nhất sẽ không thể tồn tại, vì các lý do tôn giáo, chính trị và nhân khẩu học. Các chính phủ Israel đã coi khái niệm một nhà nước là làm suy yếu bản chất của nhà nước Do Thái độc lập.
Tổng thống Mỹ Joe Biden nhắc lại sự ủng hộ của ông đối với giải pháp hai nhà nước trong bài phát biểu tại Liên Hợp Quốc hôm thứ Ba, nói rằng điều này sẽ đảm bảo "tương lai của Israel với tư cách là một nhà nước dân chủ, Do Thái sống trong hòa bình cùng với một nhà nước Palestine dân chủ và khả thi".