Tổng thống Panama phản ứng gắt với cảnh báo của ông Trump

'Chủ quyền và nền độc lập của đất nước không phải là vấn đề có thể thương lượng được', Tổng thống José Rául Mulino lên tiếng sau tuyên bố 'đòi lại' Kênh đào Panama của ông Trump.

 Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Panama José Rául Mulino ngày 22/12 (giờ địa phương) khẳng định Kênh đào Panama sẽ tiếp tục thuộc quyền quản lý của nước này.

Nhà lãnh đạo 65 tuổi đưa ra tuyên bố nói trên chỉ ít lâu sau khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump liên tục cảnh báo về ý định giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama, theo Politico.

Phản ứng của Panama

"Với tư cách tổng thống, tôi muốn khẳng định rõ ràng rằng từng mét vuông của Kênh đào Panama và khu vực lân cận đều thuộc về Panama và mọi thứ vẫn sẽ tiếp tục như vậy", Tổng thống Mulino cho biết trong một video đăng tải trên mạng xã hội hôm 22/12 (giờ địa phương).

"Chủ quyền và nền độc lập của đất nước không phải là vấn đề có thể thương lượng được", ông Mulino nói thêm. Nhà lãnh đạo 65 tuổi cũng nói rằng Kênh đào Panama là một phần không thể thiếu trong lịch sử của quốc gia Trung Mỹ này và được mọi người Panama "khắc ghi trong tim".

Ông Mulino đắc cử tổng thống hồi đầu năm với lời cam kết sẽ đưa Panama xích lại gần Mỹ hơn. Tuy vậy, nhà lãnh đạo này sẵn sàng bày tỏ lập trường cứng rắn trước các tuyên bố của ông Trump về việc Mỹ có thể giành lại tuyến đường thủy quan trọng về mặt chiến lược của Panama.

Tổng thống Mulino đồng thời phản đối những lời phàn nàn của ông Trump về việc Mỹ bị thu phí cao một cách vô lý khi lưu thông qua Kênh đào Panama, theo Politico.

 Ông Trump liên tục đưa ra cảnh báo về Kênh đào Panama. Ảnh: Reuters.

Ông Trump liên tục đưa ra cảnh báo về Kênh đào Panama. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Trump đã lặp lại lời cảnh báo giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama sau khi đề cập đến ý định này trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày 21/12 (giờ địa phương).

Chính trị gia gốc New York cáo buộc Mỹ đang bị "lừa đảo" ở Kênh đào Panama và bóng gió rằng một số đối trọng nước ngoài đang gia tăng ảnh hưởng đối với tuyến đường thủy chiến lược này.

"Người Mỹ đang bị lừa đảo ở Kênh đào Panama giống như cái cách chúng ta bị lừa đảo ở những nơi khác", ông Trump nói.

"Nếu các nguyên tắc, cả về mặt đạo đức lẫn pháp lý, không được tuân thủ, chúng ta sẽ yêu cầu Kênh đào Panama phải được trao trả lại cho Mỹ một cách đầy đủ, nhanh chóng và không tranh cãi", ông Trump phát biểu tại AmericaFest ở Phoenix, Arizona, cũng là sự kiện lớn đầu tiên ông xuất hiện trước người ủng hộ kể từ khi đắc cử.

"Chúng ta sẽ không chịu đựng tình trạng này. Cho nên là, các quan chức Panama, hãy hành xử cho phù hợp", ông Trump nói thêm.

Một phần lịch sử

Hiện chưa rõ nguyên nhân chính xác ông Trump quyết định tập trung vào Kênh đào Panama vào những ngày gần đây. Panama đã là đồng minh vững chắc của Mỹ kể từ sau sự sụp đổ của chính quyền Manuel Noriega vào năm 1989, theo Politico.

Chính quyền Tổng thống Mulino đã cam kết tăng cường quan hệ với Mỹ, trong khi Trung Quốc, khách hàng lớn thứ hai của Kênh đào Panama, không công bố thêm các khoản đầu tư hoặc đề nghị nào liên quan đến tuyến đường vận chuyển quan trọng này trong những tháng gần đây.

 Tổng thống Panama José Rául Mulino. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Panama José Rául Mulino. Ảnh: Reuters.

Năm 1977, Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã đàm phán Hiệp ước Torrijos-Carter trao cho Panama quyền kiểm soát kênh đào và Hiệp ước trung lập, cho phép Mỹ bảo vệ tính trung lập của kênh đào.

Kênh đào hiện do Cơ quan quản lý kênh đào Panama quản lý.

Mỹ đã hoàn thành kênh đào dài 82 km qua eo đất Trung Mỹ vào năm 1914 và vẫn là khách hàng lớn nhất của kênh đào, chiếm khoảng 3/4 lượng hàng hóa quá cảnh qua đây mỗi năm.

Vào thế kỷ XX, Mỹ đã hỗ trợ Panama xây dựng kênh đào quan trọng nối liền eo biển kết nối Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, qua đó tăng tốc đáng kể vận chuyển hàng hải.

Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã quản lý kênh đào và một khu vực lãnh thổ xung quanh nó được gọi là Khu vực kênh đào Panama.

Tuy nhiên, sau khi căng thẳng xuất hiện về khu vực kênh đào, chính quyền cựu Tổng thống Jimmy Carter đã ký 2 hiệp định với nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos vào năm 1977. Theo đó, Mỹ được ấn định trao kênh đào lại cho Panama vào năm 1999 nhưng vẫn giữ quyền can thiệp quân sự vào khu vực để đảm bảo tính trung lập của kênh đào.

Dẫu vậy, các nhà phân tích cho rằng 2 bản hiệp ước nói trên không bao gồm các điều khoản cho phép Mỹ giành lại quyền kiểm soát Kênh đào Panama dựa trên cơ sở pháp lý, theo Politico.

 Mỹ và Trung Quốc là các khách hàng lớn nhất của Kênh đào Panama. Ảnh: Reuters.

Mỹ và Trung Quốc là các khách hàng lớn nhất của Kênh đào Panama. Ảnh: Reuters.

Tổng thống đắc cử Trump mô tả rằng Mỹ đã "xây dựng" và "sử dụng" Kênh đào Panama, sau đó trao tuyến vận chuyển hàng hải quan trọng này cho Panama như một "biểu tượng của sự hợp tác".

Tuy nhiên, theo ông Trump, Panama đã đối xử bất công với Mỹ. Ông cũng nói rằng Mỹ vẫn luôn có một "mối quan tâm đáng kể đối với sự an toàn, hiệu quả và đảm bảo trong quá trình vận hành của Kênh đào Panama" và vấn đề này "vẫn luôn được thống nhất" kể từ khi kênh đào được trao cho Panama.

"Lực lượng Hải quân và ngành thương mại của chúng ta (Mỹ) đã bị đối xử bất công và bất lịch sự. Các khoản phí mà Panama tính là vô lý, rất bất công, đặc biệt là chúng ta đã trao cho họ một sự độ lượng phi thường,” ông Trump nói. “Sự lừa đảo trắng trợn này đối với Mỹ phải bị chặn đứng. Nó sẽ bị chặn đứng".

Đại Hoàng

Nguồn Znews: https://znews.vn/tong-thong-panama-phan-ung-gat-voi-canh-bao-cua-ong-trump-post1519834.html