Xe tăng M1 Abrams của Mỹ khó có thể sống sót trước UAV 'cảm tử' của Nga
Các chỉ huy xe tăng Ukraine thừa nhận nếu không cải tiến và trang bị thêm giáp, xe tăng M1 Abrams của Mỹ khó có thể sống sót trước UAV 'cảm tử' của Nga.
Tờ War Zone dẫn lời các chỉ huy xe tăng Ukraine đang điều khiển những chiếc M1A1 Abrams do Mỹ viện trợ cho biết, họ cảm thấy biết ơn khi được trang bị loại xe tăng này bởi nó giúp kíp chiến đấu sống sót trước các cuộc tấn công bằng UAV góc nhìn thứ nhất (FPV) từ Nga.
War Zone cũng đưa ra ví dụ về trường hợp một chiếc M1A1 Abrams của Ukraine tham chiến ở vùng Kursk sống sót trước cuộc tấn công của 5 UAV FPV.
Tuy nhiên, các chỉ huy Ukraine nhấn mạnh rằng, nếu giữ nguyên trang bị của M1 Abrams thì nó không thể chống lại UAV. Việc lắp đặt thêm giáp phản ứng nổ và giáp lưới là cần thiết nếu kíp xe muốn sống sót.
War Zone dẫn lời một chỉ huy xe tăng Ukraine giấu tên thuộc Lữ đoàn cơ giới số 47 nói: "Abrams sau khi nâng cấp đã cứu mạng tất cả chúng tôi, dù vậy chiếc xe tăng đã gần như hỏng hoàn toàn".
Vị chỉ huy này cho biết, xe tăng M1 Abrams với các cải tiến có thể chống chịu được từ 4-6 đợt tấn công từ UAV đối phương. Kíp chiến đấu gần như không bị thương dù phương tiện gần như bị bắn nát.
Trước khi quân đội Ukraine cải tiến M1 Abrams, lực lượng xe tăng nước này đã nhiều lần trả giá đắt khi quá tin tưởng vào khả năng bảo vệ của xe tăng trước các hình thức tác chiến phi đối xứng.
Một phần khác quan trọng không kém là thiết kế của M1 Abrams tách biệt hoàn toàn giữa khoang của kíp xe với khoang đạn. Điều này hạn chế một phần khả năng binh sĩ bị thương trong trường hợp khoang đạn bị tấn công.
“Nhờ vào việc khoang đạn dược được tách biệt hoàn toàn khỏi kíp lái, cơ hội sống sót của chúng tôi cao hơn hẳn việc sử dụng các dòng xe tăng do Nga và Liên Xô chế tạo", chỉ huy xe tăng Ukraine nói.
Một trong những giải pháp của Ukraine trong việc bảo vệ xe tăng trước UAV là hệ thống giáp lồng bảo vệ xung quanh tháp pháo và một phần động cơ xe. Kết hợp với đó là giáp phản ứng nổ ở tháp pháo và thân xe.
Khi UAV Nga có ý định tấn công tháp pháo hoặc từ trên cao xuống, chúng sẽ mắc lại ở lưới bảo vệ rồi tự kích nổ. Các vụ nổ như vậy thường không tạo ra nhiều hư hại đối với hệ thống giáp chính của xe tăng.
“Nếu không có giáp phản ứng nổ và giáp lưới bổ sung chúng tôi gần như không có cơ hội nào để thoát khỏi UAV Nga", chỉ huy xe tăng Ukraine nói thêm.
Từ bài học ở chiến trường Ukraine, quân đội nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu tích hợp "hệ thống giáp lồng" cho các phương tiện chiến đấu bọc thép. Tuy nhiên với từng mẫu xe khác nhau sẽ có cách thức bảo vệ khác nhau.
Chỉ huy xe tăng Ukraine cũng mong muốn Mỹ sẽ viện trợ thêm các xe tăng M1 Abrams hiện đại hơn. Đồng thời cho rằng Mỹ nên sớm nâng cấp các dòng xe tăng của nước này bởi chúng có hệ thống giáp bảo vệ quá mỏng và cần thêm các lớp giáp mới nếu muốn kíp xe sống sót trước các cuộc tấn công bằng UAV.
Vị chỉ huy Ukraine cũng bác bỏ lập luận M1 Abrams đã quá nặng để bổ sung thêm giáp. Thông thường nâng cấp thêm giáp phản ứng nổ và giáp lưới sẽ khiến trọng lượng xe tăng tăng thêm khoảng 2 tấn.
Từ tháng 9/2023, Mỹ bắt đầu viện trợ xe tăng M1 Abrams cho Ukraine. Tháng 2, quân đội Ukraine bắt đầu sử dụng Abrams trên chiến trường nhưng chúng bị đánh bại sau đó chỉ vài tuần.
Trước tổn thất của M1 Abrams, quân đội Australia đã cam kết viện trợ cho Kiev thêm 49 xe tăng Abrams đã qua sử dụng.
Kể từ tháng 2, Ukraine đã mất ít nhất 17 chiếc M1 Abrams. Trong số đó, ít nhất 8 chiếc bị phá hủy, một chiếc bị hư hỏng nhẹ, 7 chiếc bị hư hỏng và bị bỏ lại và một chiếc bị bắt sống. Con số thực tế có thể lớn hơn do quy mô chiến trường đã mở rộng sang cả vùng Kursk của Nga.