Tổng thống Pháp đến Mỹ vì Ukraine, Nga - Trung khẳng định quan hệ 'không giới hạn'
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 24-2 đã đến Nhà Trắng để hội đàm với Tổng thống Donald Trump, dự kiến thảo luận về Ukraine.
Ông Emmanuel Macron trở thành nhà lãnh đạo châu Âu đầu tiên đến gặp ông Donald Trump kể từ khi ông Trump tái đắc cử cách đây một tháng. Hai nhà lãnh đạo sẽ họp trực tuyến với nhóm G7, hội đàm song phương và sau đó chủ trì cuộc họp báo chung.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm 24-2 đến Nhà Trắng để hội đàm với Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Bloomberg
Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng sẽ đến gặp ông Trump vào cuối tuần này trong bối cảnh châu Âu lo ngại về lập trường cứng rắn của tổng thống Mỹ đối với Ukraine và những động thái tiếp cận Moscow về cuộc xung đột.
Ông Macron và ông Starmer có ý định thuyết phục ông Trump không vội vàng thực hiện thỏa thuận ngừng bắn ở Ukraine với Tổng thống Nga Vladimir Putin bằng mọi giá, đảm bảo cho châu Âu tham gia và thảo luận về việc hỗ trợ quân sự cho Ukraine.
Ông Macron đang cố tận dụng mối quan hệ với ông Trump, được xây dựng trong nhiệm kỳ trước của ông Trump. Ông cho biết việc đồng ý với một thỏa thuận tồi tệ sẽ đồng nghĩa với sự đầu hàng của Ukraine và báo hiệu sự yếu kém cho các đối thủ của Mỹ, bao gồm Trung Quốc và Iran.
Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định mối quan hệ đối tác "không giới hạn" trong cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 24-2.
Các nhà lãnh đạo điện đàm trong bối cảnh Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy thỏa thuận nhanh chóng nhằm kết thúc xung đột ở Ukraine. Điều này làm dấy lên khả năng Washington có thể gây ra rạn nứt giữa Nga và Trung Quốc để tập trung cạnh tranh với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tính bền vững và bản chất "lâu dài" của liên minh hai nước, với những động lực nội bộ riêng sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ "bên thứ 3" nào. Theo thông cáo chính thức được truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố, ông Tập cho biết: "Quan hệ Trung - Nga có động lực nội tại mạnh mẽ và giá trị chiến lược độc đáo, không nhằm vào hoặc chịu ảnh hưởng bởi bất kỳ bên thứ 3 nào".
Ông Tập khẳng định các chiến lược phát triển và chính sách đối ngoại của Trung Quốc và Nga là dài hạn, hai nước là những láng giềng tốt không thể tách rời.
Theo đài RT, Điện Kremlin cho hay Tổng thống Putin cũng trao đổi với ông Tập về những cuộc thảo luận gần đây giữa Moscow và Washington. Điện Kremlin tiế́t lộ Bắc Kinh bày tỏ sự ủng hộ các cuộc đối thoại và tiềm năng giải quyết cuộc khủng hoảng Ukraine.