Tổng thống Pháp Emmanuel Macron: EU cần đối thoại thẳng thắn với Nga
Tổng thống Macron khẳng định Pháp và Đức muốn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, thông qua khuôn khổ Normandy mà hai nước này cùng tham gia với Ukraine và Nga.
Ngày 19/1, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng EU cần đối thoại thẳng thắn với Nga và tìm kiếm một giải pháp chính trị để tháo gỡ những vấn đề căng thẳng song phương liên quan tình hình Ukraine.
Cụ thể, phát biểu khai mạc phiên họp toàn thể tại Nghị viện châu Âu (EP) ở thành phố Strasbourg (Pháp), trên cương vị đại diện nước chủ tịch luân phiên EU, ông Macron khẳng định Pháp và Đức muốn tiếp tục tìm kiếm một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, thông qua khuôn khổ Normandy mà hai nước này cùng tham gia với Ukraine và Nga.
Bên cạnh đó, ông Macron nhấn mạnh an ninh của toàn khối là vấn đề không thể chia rẽ, châu Âu phải xác định tiêu chuẩn an ninh riêng và đảm bảo có được vị thế giúp những tiêu chuẩn an ninh này được coi trọng.
Tổng thống Macron cho biết các đề xuất an ninh và ổn định của EU sẽ được đưa ra trong vài tuần tới.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Ukraine thông báo Ngoại trưởng Dmytro Kuleba đã điện đàm với Đại diện cấp cao về chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell để thảo luận tình hình an ninh ở Ukraine và các biện pháp cần thiết để ổn định tình hình.
Trong cuộc điện đàm, ông Kuleba nêu rõ mỗi quốc gia thành viên EU nên hiểu rằng chiến lược đúng đắn duy nhất là kiên định và cùng hành động với Ukraine.
Theo thông báo, hai nhà ngoại giao đã thảo luận về một loạt các biện pháp mới, bao gồm các "lệnh trừng phạt cứng" mới nhằm vào Nga mà EU đề xuất sử dụng nếu tình hình tiếp tục leo thang căng thẳng.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kuleba nói rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát, đồng thời khẳng định không có lý do báo động về nguy cơ bất ổn trong nước.
Về phần mình, ông Borrell trấn an Ngoại trưởng Kuleba rằng EU sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.
Trong khi đó, cũng trong ngày 19/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz tái khẳng định lập trường chung của các nước EU rằng sẽ không để xảy ra tình trạng dùng vũ lực nhằm thay đổi các đường biên giới ở châu Âu.
Quan hệ Nga-Ukraine hiện là nội dung trọng tâm trong chương trình nghị sự của nhiều cuộc đối thoại giữa Nga và phương Tây.
Hồi tháng 12/2021, Nga đã đưa ra các đề xuất với phía Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) về đảm bảo an ninh ở châu Âu.
Đề xuất này đã được đưa ra thảo luận tại vòng đối thoại ổn định chiến lược Nga-Mỹ tại Geneva hôm 10/1, sau đó là vòng đàm phán đầu tiên kể từ năm 2019 của Hội đồng Nga-NATO tại Brussels vào ngày 12/1.
Sau vòng đàm phán, Mỹ muốn Nga rút các binh sỹ được triển khai ở vùng lãnh thổ giáp biên giới với Ukraine.
Chính quyền Ukraine và phương Tây cho rằng việc Nga tăng cường binh sỹ gần biên giới Ukraine đồng nghĩa với ý định tiến hành một cuộc tấn công quân sự.
Tuy nhiên, Moskva đã phủ nhận những lập luận này, đồng thời nêu rõ Nga có thể triển khai lực lượng trên lãnh thổ của mình theo cách mà nước này lựa chọn mà không gây ra mối đe dọa nào./.