Tổng thống Pháp hé lộ nội dung cuộc điện đàm đầu tiên sau 3 năm với ông Putin
Cuộc điện đàm đầu tiên sau gần 3 năm giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Pháp chủ yếu tập trung vào vấn đề không phổ biến vũ khí hạt nhân sau đợt không kích của Israel và Mỹ vào Iran.
Theo đài truyền hình BFMTV hôm 4/7, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay cuộc điện đàm của ông với Tổng thống Nga Vladimir Putin tập trung vào chương trình hạt nhân của Iran, và nhu cầu duy trì Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT).
"Tôi gọi cho ông ấy trước tiên là về vấn đề Iran, và sự cần thiết phải duy trì hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Điều rất quan trọng là phải đạt được thỏa thuận, bởi Pháp cũng có trách nhiệm đảm bảo sự ổn định", ông Macron giải thích.

Hai nhà lãnh đạo Pháp và Nga có cuộc điện đàm đầu tiên sau gần 3 năm. Ảnh: EPA
Tổng thống Pháp nhấn mạnh, cuộc điện đàm là "quan trọng đối với Pháp", bởi Nga và Pháp với tư cách là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) đều có nghĩa vụ chung theo NPT.
Sau hàng loạt cuộc không kích của Israel và Mỹ vào các địa điểm hạt nhân và nhiều địa điểm chiến lược khác của Iran, Tehran đã đình chỉ hợp tác với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), và cáo buộc cơ quan này không lên án các cuộc tấn công vào cơ sở hạt nhân Iran. Tehran còn cho rằng, IAEA đã thông đồng với Mỹ và Israel, đồng thời chuyển danh tính của các nhà khoa học hạt nhân Iran cho Israel, mà một vài người trong số này sau đó đã bị ám sát.
Còn theo Điện Kremlin, trong cuộc gọi ngày 1/7, cả ông Putin và ông Macron đều nhấn mạnh đến nhu cầu tôn trọng quyền năng lượng hạt nhân hòa bình của Iran, trong khi vẫn thực hiện các nghĩa vụ theo hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân. Moscow và Paris cũng nhất trí tiếp tục tham gia nỗ lực ngoại giao để tránh leo thang căng thẳng hơn nữa ở Trung Đông.
Ông Macron tiết lộ trong cuộc thảo luận với Putin, ông không thấy có "tiến triển" nào liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Điều tương tự cũng đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump nhắc tới sau cuộc gọi của ông với nhà lãnh đạo Nga hôm 3/7.
Tuyên bố của ông Macron diễn ra trong bối cảnh lập trường nhà lãnh đạo Pháp về xung đột ở Ukraine đang thay đổi. Trước đây, ông từng ủng hộ việc triển khai quân đội Pháp và các lực lượng NATO tới Ukraine, nhưng gần đây, Tổng thống Pháp đã đề xuất Liên minh châu Âu (EU) nên xem xét một cuộc đối thoại rộng hơn về an ninh khu vực bao gồm Nga như một phần của khuôn khổ hòa bình tiềm năng.