Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gây ngạc nhiên khi vừa đưa ra tuyên bố bác bỏ các lập luận trước đó rằng những hệ thống phòng không tầm xa như S-400 Triumf và S-500 Prometheus có thể bắn hạ tên lửa siêu vượt âm.
Theo nhà lãnh đạo Nga, những vũ khí như vậy chỉ đang được các cường quốc trên thế giới phát triển, chưa có điều kiện thực tế để kiểm nghiệm khả năng đánh chặn chúng.
Điều đó rõ ràng chỉ ra rằng tại thời điểm này, các hệ thống phòng thủ tên lửa bảo vệ biên giới Nga chưa có cơ sở chắc chắn sẽ đánh bại đầu đạn siêu vượt âm của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và hành trình.
"Vũ khí siêu vượt âm hiện vẫn đang được nghiên cứu phát triển, tôi nghĩ rằng nước Nga đủ khả năng gây ra sự ngạc nhiên cho các đối thủ tiềm tàng của mình”.
“Với thực tế là khi họ sở hữu loại vũ khí này, khi đó xác suất cao chúng tôi sẽ nắm trong tay một phương tiện để chống lại nó", Tổng thống Putin cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Tuy nhiên phát biểu trên của ông Putin lại làm phát sinh một vài câu hỏi cần giải đáp về lý do tại sao các hệ thống phòng không Nga trước đó lại được quảng cáo đủ sức diệt mục tiêu dạng này.
Ví dụ như ông Sergei Khatylev - cựu lãnh đạo bộ phận tên lửa phòng không thuộc Lực lượng đặc biệt Không quân Nga từng khẳng định tính năng vượt trội của S-400 trong một cuộc phỏng vấn với Thông tấn xã liên bang Nga.
"Cần lưu ý rằng S-400 là một hệ thống phòng không có tầm bắn xa và trung bình. Nó được thiết kế để tiêu diệt tất cả các mục tiêu trên không hiện có và sẽ xuất hiện trong tương lai”.
“Đối tượng của S-400 bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay, tên lửa hành trình, máy bay không người lái và cả phương tiện tấn công đầy hứa hẹn như tên lửa siêu vượt âm. So với hệ thống S-300, hiệu quả của S-400 cao hơn 1,5 lần", trích phát biểu của ông Khatylev.
Trong số những điều khác, các chuyên gia chú ý đến thực tế rằng hiện nay Trung Quốc đã có tên lửa siêu vượt âm trong kho vũ khí của mình - đó chính là DF-17.
Điều này khiến nhiều người phải đặt ra câu hỏi là chính xác khi nào thì hệ thống phòng không Nga bao gồm S-400 Triumf và S-500 Prometheus sẽ có khả năng đối phó với mục tiêu như vậy.
Phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin có thể đã khiến cho nhiều quan chức quân sự và ngành công nghiệp quốc phòng Nga lâm vào trạng thái “việt vị”.
Giới chuyên môn nhân sự kiện trên cũng nhắc lại thực tế rằng cho tới thời điểm hiện tại, kể cả trong các cuộc thử nghiệm thì S-400 cũng chưa diệt được một tên lửa đạn đạo nào.
Mở rộng hơn, từ khi bắt đầu trực chiến cho tới nay, hệ thống phòng không tầm xa đình đám S-300 cũng chưa từng bắn hạ bất cứ mục tiêu nào trong điều kiện chiến đấu.
Cho nên bất chấp những tuyên bố “có cánh” về S-400 và cả S-500 trong tương lai, sức mạnh thực sự của những vũ khí này vẫn cần được kiểm nghiệm thật kỹ lưỡng.
Bạch Dương (Theo Avia-pro)