Tổng thống Putin giám sát tập trận hạt nhân trả đũa
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đích thân giám sát các cuộc tập trận hạt nhân mô phỏng một cuộc tấn công hạt nhân trả đũa vào ngày 26-10.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nêu rõ mục đích của cuộc tập trận là kiểm tra "khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng hạt nhân Nga trong một cuộc tấn công lớn nhằm đáp trả cuộc tấn công hạt nhân của đối phương".
Điện Kremlin cho biết các lực lượng răn đe trên bộ, trên biển và trên không đã tham gia diễn tập.
Cũng theo Điện Kremlin, các vũ khí của Nga bao gồm tên lửa đạn đạo liên lục địa Yars phóng từ sân bay vũ trụ quân sự Plesetsk ở vùng Arkhangelsk và tên lửa đạn đạo Sineva phóng từ biển Barents đều đã bắn trúng tất cả mục tiêu nằm trên bán đảo Kamchatka ở vùng Viễn Đông thuộc Nga.
Theo Đài RT, máy bay ném bom chiến lược Tu-95 cũng tham gia tập trận.
Tổng thống Putin đã ra lệnh tăng cường mức độ sẵn sàng của các lực lượng hạt nhân chiến lược của Nga vào cuối tháng 2, vài ngày sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Những tuần gần đây, Mỹ và một số cường quốc phương Tây khác cáo buộc Matxcơva đang có kế hoạch tiến hành một cuộc tấn công hạt nhân chiến thuật ở Ukraine, điều mà Điện Kremlin kịch liệt bác bỏ.
Bên cạnh đó, Moscow cũng đang cáo buộc Ukraine có kế hoạch sử dụng bom bẩn và đổ cho Nga. Bộ trưởng Shoigu đã gọi điện cho những người đồng cấp ở Mỹ, Anh và một số nước khác để chia sẻ mối quan ngại của Moscow.
Cũng trong ngày 26-10, liên quan đến sự cố tại đường ống Nord Stream trên biển Baltic, Tổng thống Putin kêu gọi Cộng đồng các quốc gia độc lập (CIS) tăng cường bảo vệ các cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông quan trọng. Theo ông Putin, "đây là những khu vực cần bảo vệ nhiều nhất".
CIS là một tổ chức liên chính phủ khu vực gồm các nước Đông Âu và châu Á, được thành lập sau khi Liên Xô tan rã vào năm 1991, theo Đài RT.
Trong cuộc họp với người đứng đầu cơ quan an ninh các nước CIS, ông Putin lưu ý vụ rò rỉ đường ống Nord Stream chứng tỏ những hành vi phá hoại đang đe dọa toàn bộ mạng lưới năng lượng châu Âu. Theo nhà lãnh đạo Nga, những hành vi như vậy được thực hiện bất chấp những thiệt hại to lớn cho nền kinh tế châu Âu và ảnh hưởng đáng kể đến điều kiện sống của hàng triệu người.
Đức, Đan Mạch và Thụy Điển đang tiến hành các cuộc điều tra riêng rẽ để đánh giá toàn bộ mức độ thiệt hại của Nord Stream 1 và 2, đồng thời thu thập bằng chứng để tìm ra ai đứng sau vụ phá hoại. Điện Kremlin cho biết sẽ không công nhận kết quả điều tra nếu các chuyên gia Nga không được mời tham gia.