Tổng thống Putin: Tiền lương thực tế ở Nga sẽ tăng 3-5%

Hôm 4/4, Tổng thống Vladimir Putin chia sẻ tại nhà máy Tulazheldormash, tiền lương thực tế ở Nga dự kiến sẽ tăng 3-5% trong năm nay, trong khi thu nhập khả dụng thực tế tăng 2-3%.

Hơn nữa, lạm phát ở Nga rất có thể sẽ giảm xuống dưới 4% trong tháng 3 và có xu hướng giảm xuống đáng kể, ông Putin nói thêm.

Trong tháng 2, lạm phát của Nga đạt khoảng 11% so với cùng kỳ năm ngoái và có thể tạm thời giảm dưới 4% trong vài tháng tới do cơ sở so sánh cao vào năm ngoái vì giá hàng hóa tăng vọt sau khi chiến tranh nổ ra.

 Tổng thống Nga nói tiền lương thực tế của quốc gia này sẽ tăng từ 3-5%. Ảnh: Tass.

Tổng thống Nga nói tiền lương thực tế của quốc gia này sẽ tăng từ 3-5%. Ảnh: Tass.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng một số dữ liệu kinh tế khác của Nga có thể tạm thời cải thiện trong những tháng tới do hiệu ứng cơ sở so sánh tương tự.

Tuy nhiên, người tiêu dùng Nga - một trụ cột khác của nền kinh tế nước này - cũng đang yếu đi. Doanh thu bán lẻ của Nga trong năm ngoái giảm 6,7%, tệ nhất kể từ năm 2015, theo số liệu chính thức. Tháng 2 năm nay, doanh số bán lẻ ô tô mới ở nước này giảm 62% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, phần lớn giới phân tích dự báo tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia này lại giảm trong năm nay, nhưng một số tổ chức dự báo, gồm IMF, cho rằng nền kinh tế Nga sẽ tăng nhẹ.

Trong tháng 3, tỷ phú Nga Oleg Deripaska đã cảnh báo Nga sắp cạn tiền. “Năm tới sẽ không có tiền nữa, chúng ta cần các nhà đầu tư nước ngoài”, vị đại gia ngành nguyên vật liệu thô của Nga phát biểu tại một hội thảo kinh tế.

Mất đi thị trường châu Âu và các nhà đầu tư phương Tây bỏ chạy, Nga đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc để bù lại.

“Dù Nga có vững vàng trong ngắn hạn, bức tranh dài hạn là ảm đạm: Nga sẽ hướng nội nhiều hơn và có thể phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc”, chuyên gia cấp cao Maria Shagina thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược ở London nhận định.

Theo IMF, đến năm 2027, sản lượng kinh tế của Nga sẽ thấp hơn khoảng 7% so với dự báo đưa ra trước chiến tranh. “Tổn thất về lực lượng lao động, sự cách ly khỏi thị trường tài chính toàn cầu và việc mất quyền tiếp cận với công nghệ tiên tiến sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế Nga”, IMF nhận định.

Lê Na (Theo TASS)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tong-thong-putin-tien-luong-thuc-te-o-nga-se-tang-3-5-post242235.html