Tổng thống Putin yêu cầu trả tiền mua khí đốt bằng đồng rúp từ hôm nay
Tổng thống Nga Vladimir Putin yêu cầu khách hàng thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp từ hôm nay, nếu không sẽ bị dừng nguồn cung. Châu Âu kiên quyết phản đổi yêu cầu này.
Sắc lệnh ban ngày 31/3 của ông Putin đẩy châu Âu rơi vào nguy cơ bị mất hơn 1/3 nguồn khí đốt. Đức đã kích hoạt kế hoạch khẩn cầu để sử dụng hợp lý hơn nguồn khí đốt hiện có của nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
Xuất khẩu năng lượng là công cụ mạnh nhất mà ông Putin có để đáp trả hàng loạt lệnh trừng phạt mà phương Tây áp với các ngân hàng, công ty, doanh nhân và người thân cận với Điện Kremlin vì chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Ông Putin tuyên bố các khách hàng mua khí đốt của Nga “phải mở tài khoản bằng đồng rúp tại các ngân hàng Nga. Từ các tài khoản đó, thanh toán khí đốt sẽ được thực hiện từ ngày mai”, tức ngày 1/4.
“Nếu không thanh toán theo cách đó, chúng tôi sẽ coi đó là việc bên mua không thể thanh toán, vì thế sẽ có những hậu quả kèm theo. Không ai bán cho chúng tôi cái gì miễn phí, và chúng tôi cũng sẽ không làm từ thiện. Nghĩa là các hợp đồng hiện tại sẽ bị chấm dứt”, Tổng thống Putin nói trong bài phát biểu trên truyền hình.
Ý cho biết đang trao đổi với các đối tác châu Âu để đáp trả Nga một cách cứng rắn, cho biết nguồn dự trữ gas của nước này cho phép tiếp tục các hoạt động kinh tế ngay cả khi nguồn nhập khẩu bị gián đoạn.
Các công ty năng lượng Đức cho biết họ đang trao đổi với chính quyền về cách đối phó với nguy cơ gián đoạn nguồn cung.
Theo sắc lệnh được ông Putin công bố, các khách hàng nước ngoài phải dùng tài khoản đặc biệt tại ngân hàng Gazprombank để thanh toán tiền mua khí đốt.
Gazprombank sẽ mua tiền rúp thay cho khách hàng và chuyển tiền rúp sang một tài khoản khác.
Quyết định này của ông Putin đã giúp đồng tiền của Nga hồi phục, sau khi rơi xuống mức thấp lịch sử vì chiến dịch quân sự ngày 24/2.
Thanh toán bằng tiền rúp sẽ làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm hạn chế Nga tiếp cận khoản dự trữ ngoại hối.
Các nước châu Âu đang chạy đua để tìm nguồn cung thay thế, nhưng không có nhiều lựa chọn. Mỹ đang tăng nguồn cung khí đốt nhưng không thể bù đắp phần của Nga.
Giá khí đốt ở Anh và Hà Lan đã tăng 4-5% sau thông báo của ông Putin.