Tổng thống Trump có thật sự muốn tấn công Iran?

Theo Reuters, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 16/9 đã ám chỉ Iran đứng sau các vụ tấn công nhằm vào các cơ sở dầu mỏ ở Saudi Arabia song nhấn mạnh ông không muốn tiến hành chiến tranh, trong bối cảnh các vụ tấn công này đã đẩy giá dầu tăng mạnh đồng thời làm dấy lên nỗi lo lắng về một cuộc xung đột mới ở Trung Đông.

Ông Trump khẳng định sẽ không vội vàng lao vào một cuộc xung đột mới chỉ vì Saudi Arabia. (Nguồn: Politico)

Mỹ sẽ không vội vàng

Dù Tổng thống Trump nói rõ rằng Mỹ vẫn đang tiếp tục quá trình điều tra liệu có đúng Iran đứng sau các vụ tấn công ở Saudi Arabia hay không, tuy nhiên ông cũng khẳng định sẽ không vội vàng lao vào một cuộc xung đột mới chỉ vì Saudi Arabia. Ông Trump đã dành phần lớn nhiệm kỳ Tổng thống của mình để nỗ lực đưa Mỹ thoát khỏi các cuộc chiến do các chính quyền cũ để lại.

Một ngày sau khi tuyên bố Mỹ đã “khóa nòng và nạp đạn” để đáp trả vụ việc, Tổng thống Trump ngày 16/9 lại nói rằng “không có gì phải vội” làm như vậy, đồng thời giải thích rằng Washington có nhiều lựa chọn khác. Một vài thành viên nội các Mỹ, trong đó có Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Năng lượng Rick Perry đã chỉ trích Tehran vì các vụ tấn công này.

Iran đã bác bỏ các cáo buộc của Mỹ cho rằng Tehran đứng sau các vụ tấn công hôm 14/9 nhằm vào cơ sở chế biến dầu thô lớn nhất thế giới đồng thời kéo giá dầu tăng mạnh nhất trong hàng chục năm qua. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho biết các vụ tấn công này là do người Yemen thực hiện nhằm đáp trả các cuộc tấn công do liên minh quân sự do Saudi đứng đầu thực hiện trong cuộc chiến với lực lượng Houthi.

Quan hệ giữa Mỹ và Iran đã trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết kể từ khi Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hồi năm 2018 đồng thời tái áp đặt các đòn trừng phạt cứng rắn đối với Tehran liên quan chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của Cộng hòa Hồi giáo này.

Washington cũng muốn gây sức ép để Tehran chấm dứt bảo trợ các lực lượng ủy nhiệm khu vực, bao gồm ở Yemen nơi các lực lượng của Saudi Arabia đã chống lại phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn trong vòng 4 năm qua.

Các vụ tấn công đã làm cắt giảm 5% sản lượng khai thác dầu thô trên thế giới, đẩy giá dầu tăng vọt thêm 15% song sau đó đã đi xuống.

Xu hướng chủ hòa

Theo AFP, tháng 6 vừa qua, sau vụ máy bay không người lái của Mỹ bị bắn hạ, Tổng thống Trump từng ra lệnh đáp trả bằng một cuộc oanh kích nhằm vào Iran, song đã thu hồi lệnh này vào phút chót.

Sau 20 năm sa lầy quân sự ở các cuộc chiến Afghanistan và Iraq, đây là một trong những nhân tố khích lệ lời kêu gọi của Tổng thống Trump để cử tri ủng hộ ông phá vỡ tình thế bế tắc trong cuộc chiến này của Mỹ khi ông tiến hành chiến dịch tranh cử Tổng thống hồi năm 2016.

Mặc dù vậy, thiên hướng của ông Trump vẫn là thể hiện sự cứng rắn đối với bên ngoài. Vậy ông chủ Nhà Trắng đang “đứng ở đâu” trong quá trình kiếm soát Iran? Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại Richard Haass cảnh báo: “Mỹ không chỉ mù mờ về cuộc chiến ở Trung Đông trong bối cảnh xảy ra các vụ tấn công nói trên mà còn mù mờ về chính sách đối ngoại”.

Trong cơn hỗn loạn này, ông Trump đã sa thải Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, người mà ông thường miêu tả là quá hiếu chiến. Bolton, một nhân vật ủng hộ chiến tranh ở Iraq, lâu nay luôn ủng hộ lật đổ chế độ Iran. Vì vậy, sự ra đi của Bolton làm dấy lên đồn đoán rằng một Tổng thống Trump chủ hòa hơn sẽ là xu thế nổi trội.

Hình vệ tinh cho thấy những hư hại do các vụ tấn công bằng UAV gây ra tại nhà máy lọc dầu Abqaiq và Khurais ở miền đông Saudi Arabia. (Nguồn: AP)

Gia tăng căng thẳng

Theo Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman, những mối đe dọa của Iran không chỉ nhắm vào Saudi Arabia mà còn cả khu vực Trung Đông cũng như toàn thế giới. Mặc dù Thái tử không trực tiếp cáo buộc Tehran, song một tuyên bố của Bộ Ngoại giao Saudi Arabia nói rằng ông Salman đã kêu gọi cộng đồng quốc tế lên án bất kỳ bên nào đứng sau vụ tấn công.

Trong hàng chục năm qua, Saudi Arabia và Iran vẫn luôn ở thế đối địch và đang tham gia vào nhiều cuộc chiến có lực lượng ủy nhiệm. Trong khi đó, Tổng thống Trump tuyên bố ông không cam kết bảo vệ Saudi Arabia: “Chúng tôi cần ngồi thảo luận với Saudi Arabia và tìm ra biện pháp”.

Hai nguồn tin giấu tên tiết lộ với hãng tin Reuters rằng sẽ phải mất hàng tháng trời để Saudi nối lại hoạt động khai thác dầu như bình thường. Trước đó, ước tính này là vài tuần. Saudi Arabia tuyên bố nước này vẫn có thể đáp ứng được yêu cầu của khách hàng với kho dự trữ khổng lồ của mình song một số đơn hàng đã bị đình trệ. Theo số liệu theo dõi tàu chở dầu, ít nhất 11 tàu chờ dầu cỡ “khủng” đang đợi ngoài cảng Saudi Arabia để được vận chuyển dầu lên tàu.

Căng thẳng ở vùng Vịnh nhiều dầu mỏ đã nhanh chóng leo thang trong năm 2019, sau khi Tổng thống Trump áp đặt một số đòn trừng phạt của Mỹ đối với Iran nhằm ngừng mọi hoạt động xuất khẩu dầu mỏ của quốc gia Hồi giáo này.

Từ nhiều tháng qua, giới chức Iran đã công khai đe dọa rằng một khi Tehran bị ngăn chặn xuất khẩu dầu thì các nước khác sẽ cũng chẳng thể xuất khẩu được dầu mỏ của mình. Dù vậy, Iran bác bỏ mọi liên quan trong các vụ tấn công, trong đó có vụ oanh kích các tàu chở dầu ở vùng Vịnh và các vụ tấn công trước đó mà phiến quân Houthi thừa nhận trách nhiệm.

Trong khi đó, các đồng minh của Mỹ ở châu Âu phản đối chiến lược “gây sức ép tối đa” mà ông Trump áp dụng đối với Iran, cho rằng chiến lược này không đưa ra được một cơ chế cụ thể để tháo gỡ mọi vấn đề, đồng thời có nguy cơ đẩy kẻ thù lao vào một cuộc chiến.

Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng biện minh rằng mục tiêu của ông là buộc Iran đàm phán một thỏa thuận hạt nhân cứng rắn hơn và để ngỏ cánh cửa đàm phán với Tổng thống Rouhiani tại cuộc họp tới đây tại Liên hợp quốc. Đáp lại, Tehran tuyên bố sẽ không có cuộc đàm phán nào cho đến khi Washington gỡ bỏ các đòn trừng phạt.

(theo Reuters, AFP)

Ngọc Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-thong-trump-co-that-su-muon-tan-cong-iran-101289.html