Tổng thống Trump ngừng tài trợ WHO: Chính giới Mỹ phản đối, Tổng Giám đốc Tedros lên tiếng, Pháp nghiêng bên nào?
Ngày 15/4, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ quyết định ngừng tài trợ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19 đang bùng phát mạnh mẽ trên toàn thế giới.
Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi phản đối quyết định tạm ngừng tài trợ WHo của ông Trump. (Nguồn: AFP)
Trong một tuyên bố, Chủ tịch Pelosi cho rằng, việc ngừng tài trợ cho WHO trong khi tổ chức này đang dẫn đầu cuộc chiến toàn cầu chống lại dịch Covid-19 là vô nghĩa và đây là một quyết định “nguy hiểm và bất hợp pháp”, đồng thời khẳng định, đảng Dân chủ trong Quốc hội sẽ tìm cách nhanh chóng thách thức quyết định này của Tổng thống Trump.
Ngoài ra, bà Pelosi cũng nhấn mạnh, Mỹ chỉ có thể đạt được thành công trong cuộc chiến chống đại dịch này bằng một phản ứng quốc tế phối hợp với sự tôn trọng đối với khoa học và dữ liệu.
Cùng ngày, phòng Thương mại Mỹ (USCC) cũng chỉ trích quyết định trên của Tổng thống Trump khi cho rằng, đó không phải là vì lợi ích tốt nhất của đất nước.
Ông Myron Brilliant, Phó Chủ tịch kiêm quản lý các vấn đề quốc tế của USCC cho biết, cơ quan này ủng hộ một Tổ chức Y tế thế giới được cải cách và hoạt động hiệu quả, đồng thời nhấn mạnh sự lãnh đạo cũng như tham gia của Mỹ là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm của tổ chức này trong tương lai. Tuy nhiên, việc ngừng tài trợ cho WHO trong bối cảnh dịch Covid-19 đang bùng phát hiện nay không phải là vì lợi ích của Mỹ mà vì tổ chức này đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các quốc gia khác - đặc biệt là ở các nước đang phát triển - trong phản ứng đối với với dịch bệnh.
Cùng với USCC, Hiệp hội Y khoa Mỹ cũng lên án quyết định của Tổng thống Trump, cho đây là một bước đi nguy hiểm sai hướng, đồng thời thúc giục ông chủ Nhà Trắng xem xét lại quyết định.
Cùng ngày, trong một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom cho biết, lấy làm tiếc trước quyết định của Tổng thống Trump và bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ đảo ngược quyết định này: "Mỹ là một người bạn hào phóng và lâu năm đối với WHO và chúng tôi hy vọng họ sẽ tiếp tục là như vậy".
Hôm 14/5, Tổng thống Donald Trump đã thông báo về quyết định của ông ngừng tài trợ cho WHO, không lâu sau khi chỉ trích cách ứng phó của tổ chức này đối với cuộc khủng hoảng do virus SARS-CoV-2 gây ra.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp nhận định, hoạt động của WHO đã cho thấy "những lỗ hổng" trong việc quản lý khủng hoảng hiện nay và kêu gọi thiết lập một "chủ nghĩa đa phương về y tế" mới.
Phát biểu trong phiên điều trần ngày 15/4 trước Ủy ban đối ngoại của Thượng viện Pháp, ông Jean-Yves Le Drian đánh giá hoạt động của WHO là "thiếu phản ứng, thiếu tự chủ trước các quốc gia", "thiếu phương tiện phát hiện, cảnh báo và thông tin". Song ông cũng cho rằng, nguyên nhân không chỉ từ "trách nhiệm" của các cá nhân vận hành WHO, mà còn nằm trong "các nguyên tắc cơ bản" của tổ chức này.
Cũng trong ngày 15/4, Chính phủ Phần Lan tuyên bố, nước này đã quyết định nâng mức tài trợ cho WHO lên 5,5 triệu Euro (6 triệu USD).