Tổng thống Ukraine cáo buộc quân đội Nga vẫn ở sát biên giới Ukraine
Tổng thống Ukraine cho biết hôm thứ Tư (2/6) rằng Nga đã duy trì một sự hiện diện quân sự lớn gần biên giới với nước này.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy. Ảnh: AFP
Bài liên quan
Nga cảnh báo Thổ Nhĩ Kỳ về mối quan hệ chặt chẽ với Ukraine
Ông Putin nói Ukraine đang trở thành một nước 'chống Nga', cam kết đáp trả
Tổng thống Biden muốn gặp người đồng cấp Putin, bất chấp căng thẳng về Ukraine
Mỹ ủng hộ Ukraine gia nhập NATO
Phát biểu trong cuộc gặp với một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đang thăm Ukraine, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy cáo buộc rằng Moscow chỉ rút một phần nhỏ lực lượng quân sự mà họ đã tập trung gần Ukraine vào tháng 4, động thái từng khiến phương Tây và Ukraine lo lắng.
Các hành động của Nga diễn ra trong bối cảnh các lệnh ngừng bắn thường xuyên bị vi phạm, làm dấy lên lo ngại về leo thang căng thẳng tại khu vực này.
Quân đội Nga đã thông báo rút quân sau khi hoàn thành các cuộc tập trận vào cuối tháng 4. Nhưng họ đã ra lệnh cho quân đội bỏ lại vũ khí của họ ở phía tây nam nước Nga gần Ukraine để chuẩn bị cho một cuộc tập trận quân sự lớn khác được tổ chức vào tháng 9.
Ông Zelenskyy hôm thứ Tư (2/6) tuyên bố rằng Nga cho đến nay chỉ rút một phần nhỏ trong số hơn 100.000 quân mà các quan chức Ukraine cho biết đã được triển khai gần biên giới hồi đầu mùa xuân.
Ông Zelenskyy nói với ba thượng nghị sĩ Hoa Kỳ rằng: “Nga mới chỉ rút được khoảng 10.000 binh sĩ. Còn việc rút quân thực chất chỉ là nói mồm".
Các nghị sỹ Mỹ đang thăm Ukraine gồm Jeanne Shaheen và Chris Murphy (đảng Dân chủ) và , Rob Portman (đảng Cộng hòa). Cả ba đều nhấn mạnh sự ủng hộ của lưỡng đảng đối với Ukraine.
“Chuyến đi của lưỡng đảng này gửi một thông điệp rõ ràng rằng Hoa Kỳ cam kết xây dựng lại các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta và tái khẳng định vai trò lãnh đạo toàn cầu của Hoa Kỳ để thúc đẩy các giá trị dân chủ”, họ nói trong một tuyên bố.
“Chúng tôi đã nói về tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ, cung cấp hỗ trợ quân sự hiệu quả hơn nữa để Ukraine có thể tự vệ”, thượng nghị sĩ Portman nói với các phóng viên sau cuộc hội đàm.
Từ trái sang phải, các Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Jeanne Shaheen, Rob Portman và Chris Murphy có một cuộc họp ngắn tại văn phòng Tổng thống Ukraine sau cuộc gặp của họ với Tổng thống Volodymyr Zelenskiy ở Kyiv, Ukraine, ngày 2 tháng 6 năm 2021 - Ảnh: AP
Lời cảnh báo từ Nga
Nga sáp nhập Bán đảo Crimea từ Ukraine vào tháng 3 năm 2014 sau khi Tổng thống thân với Moscow của Ukraine là Yanukovych bị lật đổ, dẫn đến cuộc xung đột giữa quân ly khai ở miền đông và quân đội Ukraine. Bảy năm giao tranh khiến hơn 14.000 người thiệt mạng và tàn phá trung tâm công nghiệp phía đông của Ukraine, có tên là Donbass.
Một thỏa thuận hòa bình năm 2015 do Pháp và Đức làm trung gian đã giúp chấm dứt các trận chiến quy mô lớn, nhưng các cuộc giao tranh vẫn tiếp diễn làm một cuộc dàn xếp chính trị bị đình trệ. Ukraine và phương Tây cáo buộc Nga hỗ trợ quân nổi dậy bằng quân đội và vũ khí - những cáo buộc mà Moscow bác bỏ.
Điện Kremlin nghiêm khắc cảnh báo các nhà chức trách Ukraine không nên cố gắng giành lại quyền kiểm soát của phiến quân ở phía đông bằng vũ lực, đồng thời cho rằng Nga có thể can thiệp để bảo vệ dân thường ở đó.
Matxcơva tỏ ra giận dữ với các cuộc tập trận chung của NATO với Ukraine, nói rằng điều đó phản ánh ý định gây hấn của liên minh và tạo động lực cho giới diều hâu ở Ukraine.
Thiếu tướng Igor Konashenkov, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, hôm thứ Tư (2/6) cho biết quân đội Nga sẽ giám sát chặt chẽ cuộc tập trận Sea Breeze của NATO, dự kiến được tiến hành cùng với Ukraine vào tháng 6 và tháng 7.
Ông Konashenkov cáo buộc rằng các cuộc diễn tập sẽ đóng vai trò là vỏ bọc cho việc cung cấp vũ khí và đạn dược cho Ukraine. Ông cảnh báo trong một tuyên bố rằng quân đội Nga sẽ theo dõi các cuộc tập trận và "phản ứng phù hợp với tình hình đang phát triển để đảm bảo an ninh quân sự của Liên bang Nga".