Tổng thống Ukraine công du châu Âu: Bốn điểm đến, một mục đích
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có chuyến đi đặc biệt nhằm kêu gọi sự tiếp sức của các đồng minh châu Âu...
Trong bộ trang phục quen thuộc, chiếc áo phông cổ tròn sẫm màu và chiếc quần kaki nhiều túi giống như một lính đặc nhiệm, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lần lượt đến Italy, Đức, Pháp và Anh.
Hội kiến Giáo hoàng tại Rome
Tại chặng dừng chân đầu tiên ở thủ đô Rome ngày 13/5, Tổng thống Zelensky tiếp kiến Giáo hoàng Francis tại Vatican trong khoảng 40 phút và tặng ông chiếc áo chống đạn từng được một binh sĩ Ukraine sử dụng.
Tòa thánh Vatican ra thông cáo cho biết Giáo hoàng và Tổng thống Zelensky đã thảo luận về "những động thái nhân đạo". Hai bên cũng đề cập khả năng Vatican giúp đỡ hồi hương trẻ em Ukraine được sơ tán từ các vùng xung đột sang Nga.
Tổng thống Ukraine kêu gọi Giáo hoàng Francis tham gia kế hoạch 10 điểm, trong đó có khôi phục toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine, yêu cầu lực lượng Nga rút quân và chấm dứt giao tranh.
Trước khi tiếp kiến Giáo hoàng, ông Zelensky đã gặp Thủ tướng Italy Giorgia Meloni, người cam kết duy trì hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine cũng như ủng hộ nỗ lực của Kiev gia nhập Liên minh châu Âu (EU).
Những cam kết mới của Berlin
Đến Berlin ngày 14/5, Tổng thống Zelensky nhận được sự hoan nghênh nhiệt liệt của đám đông hàng trăm người ủng hộ Ukraine với những quả bóng bay màu xanh lam và đeo cờ Ukraine quanh vai. Trước khi hội đàm với các nhà lãnh đạo Đức, ông Zelensky được trao giải thưởng Charlemagne cho cuộc đấu tranh vì “lý tưởng châu Âu”.
Phát biểu tại lễ trao giải, với sự có mặt của Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đã nói “Ukraine là hiện thân cho tất cả những gì mà châu Âu đang hướng tới: lòng can đảm, niềm tin, cuộc đấu tranh cho các giá trị và tự do, cam kết vì hòa bình và thống nhất”.
Gọi các nhà lãnh đạo Đức là "người bạn thực sự và đồng minh đáng tin cậy", Tổng thống Zelensky đã hội đàm riêng với Thủ tướng Olaf Scholz và người đồng cấp Frank Walter Steinmeier. Sau đó, hai bên ra tuyên bố chung, Berlin cam kết gói hỗ trợ quân sự mới cho Kiev trị giá 3 tỷ USD, nâng tổng số tiền hỗ trợ cho Kiev lên tới 17 tỷ USD kể từ khi xung đột nổ ra. Tổng thống Zelensky ca ngợi sự hào phóng của Berlin là “sự hỗ trợ lớn, mạnh mẽ nhất cho Kiev từ trước đến nay”.
Từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đức là nhà cung cấp các loại vũ khí lớn nhất cho Kiev sau Mỹ, bao gồm các loại xe tăng, tên lửa và hệ thống chống tên lửa. Ngoài ra, Berlin còn cung cấp một cách hào phóng cho Kiev các khoản tài chính, hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ khẩn cấp và tái thiết cơ sở hạ tầng dân sự bị phá hủy. Cho đến nay, Đức đã nhận hơn 1 triệu người tị nạn từ Ukraine.
Không chỉ là vũ khí
Tại chặng dừng chân thứ ba ở Paris, Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne và Ngoại trưởng Catherine Colonna đã ra tận sân bay Charles de Gaulle đón vị khách quý từ Ukraine.
Sau bữa tối kéo dài 3 tiếng giữa Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và người đồng cấp Zelensky tại Điện Elysee ngày 14/5, Paris tuyên bố sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự và nhân đạo cho Ukrane, cung cấp cho Kiev hàng chục xe tăng, xe bọc thép và huấn luyện binh sĩ sử dụng các phương tiện chiến đấu “chừng nào Kiev còn cần thiết”.
Sau khi có thêm các cam kết mạnh mẽ, cả vật chất lẫn tinh thần từ các đồng minh EU, Tổng thống Zelensky tiếp tục bay Anh để gặp Thủ tướng Rishi Sunak tại dinh thự của ông ở ngoại ô London. Tại đây, ông chủ số 10 phố Downing tuyên bố, London sẽ cung cấp thêm cho Kiev hàng trăm tên lửa phòng không và hàng trăm máy bay không người lái (UAV) tầm xa với tầm hoạt động trên 200 km.
Tuần trước, Anh là nước đầu tiên cung cấp tên lửa tầm xa cho Ukraine, giúp Kiev tấn công sâu vào phòng tuyến trong lãnh thổ của Nga. Sau Mỹ và Đức, Anh cũng là một trong những nước viện trợ quân sự nhiều nhất cho Ukraine, với khoảng 2,9 tỷ USD trong năm 2022 và cam kết con số tương đương trong năm nay.
Có thể, sau chuyến “Tây du” 4 ngày tới 4 nước thu được nhiều thành công, Tổng thống Zelensky còn là khách mời của Thượng đỉnh EU diễn ra tại Reykjavik, Iceland trong ngày 16/5. Chắc chắn, những thông điệp và cam kết của ông Zalensky với các đồng minh phương Tây trong chuyến thăm này sẽ tiếp tục được bàn thảo tại Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Hirosima, Nhật Bản cuối tuần này.