Tổng thống Ukraine cung cấp thông tin về cuộc gặp đặc phái viên Mỹ
Theo tờ Kyiv Independent, Tổng thống Volodymyr Zelensky đã có cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ về Ukraine, ông Keith Kellogg, tại Rome vào ngày 9/7, đánh dấu cuộc gặp chính thức lần thứ hai giữa hai bên.

Đặc phái viên Mỹ tại Ukraine Keith Kellogg (phải) và Tổng thống Volodymyr Zelensky (trái) bắt tay nhau trước cuộc họp tại Rome vào ngày 9/7/2025. Ảnh: Getty Images
Cuộc gặp diễn ra ngay trước thềm Hội nghị Tái thiết Ukraine, do Ukraine và Italy đồng tổ chức vào ngày 10–11/7. Hoạt động này được phía Ukraine đánh giá là sự kiện quốc tế lớn lần thứ 4 được tổ chức nhằm tập trung huy động sự ủng hộ chính trị và khu vực tư nhân cho công cuộc tái thiết đất nước.
Thời gian qua, ông Kellogg, một nhân vật có ảnh hưởng trong chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã tiếp tục dẫn đầu các hoạt động ngoại giao với lãnh đạo Ukraine.
Nói về cuộc gặp với Đặc phái viên Mỹ, Tổng thống Zelensky mô tả đó cuộc trò chuyện là “thực chất” và cho biết cuộc trao đổi đã tập trung vào vấn đề hỗ trợ vũ khí cho Ukraine và các biện pháp trừng phạt Nga.
“Chúng tôi đã thảo luận về cung cấp vũ khí và tăng cường năng lực phòng không. Trong bối cảnh các cuộc tấn công của Nga gia tăng, đây là một trong những ưu tiên hàng đầu”, ông Zelensky viết trên Telegram sau cuộc gặp.
“Chúng tôi cũng thảo luận về việc mua vũ khí Mỹ, sản xuất quốc phòng chung và nội địa hóa tại Ukraine”, nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm.
Tổng thống Ukraine cho biết rằng cả ông và Đặc phái viên Kellogg đều ủng hộ những nỗ lực của các thượng nghị sĩ Mỹ trong thúc đẩy thông qua dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt “khắc nghiệt” hơn đối với Nga và áp thuế nhập khẩu 500% với các quốc gia mua dầu từ Nga.
Trước cuộc gặp với ông Kellogg, Tổng thống Zelensky đã có cuộc trao đổi với Giáo hoàng Leo tại Castel Gandolfo, dinh thự mùa hè của Giáo hoàng ở phía Nam Rome. Bên cạnh đó, ông cũng đã gặp Tổng thống Italy Sergio Mattarella.
Hội nghị Tái thiết Ukraine ra trong bối cảnh nước này tiếp tục hứng chịu các đợt không kích hằng ngày vào Kiev và nhiều thành phố khác cũng như các cuộc tấn công trên bộ của Nga trên toàn tuyến mặt trận. Tình hình chiến sự hiện nay đã gây ra những áp lực nặng nề lên nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Ukraine.
Theo Financial Times ngày 8/7, Kiev đang đối mặt với khoản thâm hụt dự kiến từ 8 tỷ đến 19 tỷ USD vào năm 2026, chủ yếu do suy giảm viện trợ từ Mỹ cũng như chưa có hi vọng rõ ràng nào về một lệnh ngừng bắn lâu dài với Nga.
Một quan chức cấp cao của EU cho biết các nhà tài trợ phương Tây từng kỳ vọng sẽ đạt được thỏa thuận hòa bình vào năm 2025, nhưng đang chuẩn bị cho kịch bản chiến sự tiếp tục kéo dài.