Tổng thu 2021 tăng ấn tượng, ĐH Kinh tế TPHCM là trường có doanh thu nghìn tỷ
Năm 2021, tổng thu của Đại học Kinh tế TPHCM bất ngờ tăng mạnh, đạt trên 1.000 tỷ đồng - bằng khoảng 2 lần nguồn thu năm 2020.
Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh (UEH) hiện là 1 trong 7 cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam hoạt động theo mô hình “đại học đa ngành, đa lĩnh vực”.
Từ năm 2021, UEH xác định trở thành đại học đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển bền vững với 3 trường thành viên và 1 phân hiệu ở tỉnh Vĩnh Long và 16 đơn vị khoa học, kinh doanh.
Hiện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh có hơn 36.000 người học, với 38 ngành đào tạo trình độ đại học, 19 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, 14 ngành đào tạo trình độ tiến sĩ.
Sau 4 năm, đội ngũ giáo sư giảm gần 56%
Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam từ số liệu về giảng viên tại Báo cáo 3 công khai các năm học 2022-2023, 2019-2020 của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh, cho thấy quy mô giảng viên của trường khá lớn và có xu hướng tăng (tăng 6,45% sau 4 năm).
Số liệu tại Báo cáo 3 công khai năm học 2019-2020, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh có 589 giảng viên cơ hữu, trong đó có 25 giáo sư, 50 phó giáo sư, 178 tiến sĩ, 329 thạc sĩ và 7 giảng viên trình độ đại học.
Theo số liệu tại Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023, hiện UEH có 627 giảng viên cơ hữu, trong đó có 11 giáo sư, 64 phó giáo sư, 261 tiến sĩ, 289 thạc sĩ và 2 giảng viên trình độ đại học.
Như vậy, số lượng giảng viên có chức danh giáo sư giảm 14 giảng viên sau 4 năm. Đội ngũ phó giáo sư và tiến sĩ của trường có xu hướng tăng (sau 4 năm, đội ngũ phó giáo sư tăng 28%, tiến sĩ tăng thêm 46,63%), đội ngũ giảng viên trình độ thạc sĩ và đại học giảm dần.
Lý giải về sự biến động về đội ngũ giảng viên, đại diện Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, số lượng giáo sư giảm chủ yếu do thầy cô đã đến tuổi nghỉ hưu theo quy định hoặc nghỉ theo diện chấm dứt hợp đồng lao động.
Số lượng tiến sĩ, phó giáo sư tăng là kết quả chính sách phát triển đội ngũ nhân sự của trường từ Đề án “Nâng cao chất lượng đội ngũ về chuyên môn, tiếng Anh và gia tăng tỷ lệ giảng viên quốc tế giai đoạn 2021-2025”.
"Đề án có các chính sách khuyến khích viên chức nhà trường nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, xây dựng cổng tuyển dụng tuyển dụng các ứng viên là tiến sĩ tốt nghiệp các trường top 500 thế giới; bên cạnh đó, chính sách cũng ban hành các chế tài khi giảng viên không thực hiện đúng lộ trình cam kết.
Hàng năm, nhà trường đều thực hiện quy định rà soát đội ngũ của tất cả các chương trình đào tạo để đảm bảo yêu cầu giảng dạy. Do vậy, chất lượng đội ngũ giảng viên tại UEH luôn được cam kết và đảm bảo với người học và xã hội", đại diện UEH chia sẻ.
Tổng thu năm 2021 tăng gấp đôi so với năm 2020
Về nguồn thu tài chính, Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là 1 trong 9 cơ sở giáo dục đại học ở nước ta có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng (thống kê từ Báo cáo 3 công khai và Đề án tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học năm 2023).
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, số liệu công khai về tổng thu tài chính giữa Đề án tuyển sinh và Báo cáo 3 công khai đang có sự chênh lệch.
Cụ thể, theo Đề án tuyển sinh năm 2023, tổng thu hợp pháp/năm của trường là khoảng 1.189,4 tỷ đồng (chính xác là 1.189.354.925.475 đồng), trong khi đó, số liệu thể hiện tại Báo cáo 3 công khai năm học 2022-2023 là 1.443,4 tỷ đồng.
Trao đổi với phóng viên về sự khác nhau của số liệu nguồn thu giữa Đề án tuyển sinh và Báo cáo tài chính (trích Báo cáo 3 công khai), đại diện UEH cho biết, sự khác nhau về số liệu này xuất phát từ thời điểm lập đề án, báo cáo khác nhau.
Cụ thể, thời điểm lập đề án tuyển sinh là từ tháng 1 đến tháng 2 năm 2023 - lúc này chưa chốt số liệu báo cáo tài chính. Kết hợp tình hình thu học phí ổn định như năm 2021, nhà trường đã dự kiến tổng thu năm 2022 là tương đương với năm 2021 để phục vụ việc lập đề án tuyển sinh năm học 2023.
Báo cáo 3 công khai được lập tại thời điểm tháng 10 năm 2023 - lúc này đã có báo cáo tài chính và đã được kiểm toán, do vậy số liệu nguồn thu được cập nhật theo đúng thực tế. Số nguồn thu tăng lên chủ yếu đến từ nguồn thu khác (thu hoạt động khoa học công nghệ và chuyển giao tri thức của các đơn vị thuộc, trực thuộc UEH).
Để có số liệu thống nhất và và liền mạch, phóng viên chọn thống kê dữ liệu tổng nguồn thu của UEH theo Đề án tuyển sinh các năm. Theo đó, từ năm 2019 đến nay, tổng nguồn thu của UEH có sự tăng giảm thất thường.
Cụ thể, năm 2019, tổng nguồn thu của Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh là khoảng gần 700 tỷ đồng (chính xác là 698,6 tỷ đồng), tuy nhiên đến năm 2020, con số này sụt giảm xuống chỉ còn khoảng gần 580 tỷ đồng (chính xác là 575,5 tỷ đồng). Theo đó, tổng thu năm 2020 giảm khoảng 123 tỷ đồng so với năm 2019, tức khoảng 17,62%.
Tuy nhiên, tổng nguồn thu của 2 năm sau đó lại có xu hướng tăng mạnh. Năm 2021, tổng thu của UEH bất ngờ tăng mạnh, đạt trên 1.000 tỷ đồng - bằng khoảng 2 lần nguồn thu năm 2020. Cụ thể, tổng thu năm 2021 tăng khoảng 594 tỷ đồng tương đương tăng 103,29% so với năm 2020.
Từ năm 2021 đến năm 2022, tổng thu của UEH có tăng, tuy nhiên chỉ ghi nhận ở mức tăng nhẹ, không có sự biến động mạnh như những năm trước đó. Cụ thể, năm 2022, tổng thu của UEH đạt khoảng gần 1.200 tỷ đồng, tăng 1,66% so với năm 2021.
Chia sẻ thêm về nguồn thu năm 2021, đại diện UEH cho biết, thực tế, nguồn thu năm 2021 tăng hơn 389 tỷ đồng so với 2020 (nguồn thu từ hoạt động của UEH: Năm 2019: 869.956.432.049 đồng, năm 2020: 800.006.755.263 đồng. Năm 2021: 1.189.354.925.475 đồng) xuất phát từ 1 phần lộ trình điều chỉnh tăng học phí (từ học kỳ cuối năm 2021) và tăng quy mô tuyển sinh (170 tỷ đồng). Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch Covid19 nên kế hoạch thu học phí của tháng 12/2020 được kéo dài sang quý 1/2021 để tạo điều kiện cho người học (khoảng 159 tỷ đồng). Ngoài ra, hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao tri thức những năm qua luôn được UEH chú trọng đầu tư và phát triển mạnh, do đó nguồn thu từ hoạt động này cũng góp phần tăng tổng thu tài chính cho nhà trường (khoảng 60 tỷ đồng).
Chi tiết về cơ cấu tài chính, nguồn thu của UEH đến từ ngân sách, học phí, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, và từ nguồn hợp pháp khác.
Từ báo cáo tài chính năm 2019-2020 và năm 2022-2023, tỷ lệ giữa các nguồn thu này có sự thay đổi: thu từ ngân sách và nguồn hợp pháp khác giảm; nguồn thu từ học phí, từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ có sự tăng trưởng đáng kể.
Năm 2019, nguồn thu từ học phí của UEH là 662 tỷ đồng, chiếm khoảng 73,31% trong tổng cơ cấu nguồn thu của trường. Đến năm 2022, mặc dù nguồn thu này tăng thêm gần 300 tỷ đồng (cụ thể là 960,9 tỷ đồng), tuy nhiên tỷ lệ nguồn thu học phí trong tổng cơ cấu nguồn thu của trường lại giảm xuống còn 66,57%.
Ngược lại, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ năm 2019 mới chỉ đạt 7 tỷ, chiếm 0,78% trong tổng cơ cấu nguồn thu của trường. Đến năm 2022 - tức là sau 4 năm, tỷ lệ này tăng lên 25,16% - tương đương khoảng 363,2 tỷ đồng.
Nguồn thu từ ngân sách giảm nhẹ. Nguồn thu hợp pháp khác cũng có xu hướng giảm khá nhiều, cụ thể năm 2019, nguồn thu này đạt khoảng 230 tỷ đồng, chiếm 25,47% trong tổng cơ cấu nguồn thu của trường. Đến năm 2022, nguồn thu hợp pháp khác giảm tới hơn 1 nửa, chỉ còn 112,9 tỷ đồng, chiếm 7,82% trong tổng cơ cấu nguồn thu của trường.
Chia sẻ về sự thay đổi trong cơ cấu nguồn thu của Trường, đặc biệt sự thay đổi đáng kể từ nguồn thu hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, đại diện UEH khẳng định sự thay đổi này do tiêu chí thống kê khác nhau.
Theo đó, năm 2019, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ chỉ tính số thu trực tiếp từ Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Với các khoản thu hoạt động này tại các đơn vị thuộc, trực thuộc của UEH được thể hiện trong mục nguồn thu hợp pháp khác.
Năm 2022, nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ được thống kê bao gồm cả UEH và các đơn vị thuộc, trực thuộc của UEH.
Mặc dù có sự khác nhau về tiêu chí thống kê, song không thể phủ nhận sự thay đổi đáng kể từ nguồn thu hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ của UEH.
Theo đại diện UEH chia sẻ: "Năm 2021 đánh dấu một bước ngoặt lớn của UEH với chiến lược tái cấu trúc trở thành Đại học Đa ngành và Bền vững (giai đoạn 2021 - 2030). Theo đó, 2 trụ cột “Đào tạo” và “Nghiên cứu” đã được UEH tập trung đẩy mạnh trong chiến lược phát triển đại học bền vững. Đối với hoạt động nghiên cứu, trong những năm qua UEH đã có nhiều chính sách đẩy mạnh, khuyến khích viên chức công bố khoa học, tăng cường hỗ trợ chuyển giao tri thức cho các địa phương, doanh nghiệp,...
Kết quả từ nguồn thu của hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đã phản ánh những kết quả trong nỗ lực đổi mới của UEH".