Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga: Hợp tác giữa hai nước sẽ tiếp tục sâu sắc hơn

Theo Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga, quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước đã được chứng minh trong quá khứ và hiện tại và sẽ tiếp tục hợp tác trên nhiều lĩnh vực...

Nhân dịp Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam, ngày 19 đến 20-6, PLO phỏng vấn nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng Biên tập Tạp chí Bạch Dương, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga. Ông nguyên là Trưởng ban Tin thế giới, TTXVN và nguyên Trưởng cơ quan thường trú TTXVN tại Nga.

 Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga. Ảnh: NVCC

Nhà báo Nguyễn Đăng Phát, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt - Nga. Ảnh: NVCC

. Nhận lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin sang thăm Việt Nam. Yếu tố nào đã khiến quan hệ hai nước khăng khít như vậy, thưa ông?

+ Ông Nguyễn Đăng Phát: Đó là truyền thống hữu nghị và hợp tác. Người Việt mình luôn có truyền thống uống nước nhớ nguồn. Liên Xô là một trong những nước đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tháng 1-1950 và là quốc gia đã giúp và hỗ trợ ta rất nhiều.

Biểu tượng của sự hỗ trợ ấy không chỉ là rất to lớn trong kháng chiến chống Mỹ, mà cả sau này khi xây dựng đất nước: Thủy điện Hòa Bình, cầu Thăng Long, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Trong chính trị đối ngoại, hai bên cũng có phối hợp với nhau.

Liên Xô có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ Việt Nam đào tạo chuyên gia. Tất cả các hình thức thì ước tính 60.000 người. Qua nhiều thế hệ, cán bộ học tập ở Liên Xô về đã đóng góp rất lớn trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, quân sự cho đến chính trị. Tình cảm gắn bó với nước Nga phải nói rất đẹp.

Nước Nga là quốc gia kế thừa Liên Xô cũ, vẫn giữ tình cảm, quan hệ tốt đẹp ấy với Việt Nam. Về quan hệ quốc tế mà nói, chiều sâu của mối quan hệ mà phải nhìn vào suốt chiều dài của mối quan hệ. Quan hệ Việt - Nga phải được nhìn nhận theo chiều sâu ấy.

 Ông Nguyễn Đăng Phát đến thăm gia đình cô giáo người Nga và tặng cô giáo chiếc nón lá Việt Nam. Ảnh: NVCC

Ông Nguyễn Đăng Phát đến thăm gia đình cô giáo người Nga và tặng cô giáo chiếc nón lá Việt Nam. Ảnh: NVCC

. Từ năm 1991 đến nay, quan hệ của Nga với Việt Nam dựa trên những trụ cột nào?

+ Một trụ cột quan trọng là hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự.

Hai là trụ cột kinh tế, trong quan hệ Việt - Nga nổi bật nhất là hợp tác trong lĩnh vực nhiên liệu và năng lượng. Liên doanh Vietsopetro đang đóng góp rất hiệu quả cho cả hai bên.

Thương mại, đầu tư thì vẫn ở mức thấp vì nhiều lý do. Có thể bởi hàng hóa hai nước chưa phù hợp thị trường của nhau. Nga ở vị trí địa lý khá xa, khó khăn trong hoạt động logistics. Những sản phẩm thủy sản mạnh của ta như cá basa, tôm thì thị trường Nga nhu cầu không lớn vì thủy, hải sản của bạn cũng rất phong phú.

. Cộng đồng người Việt Nam ở Nga có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy quan hệ hai nước?

+ Cộng đồng người Việt ở Nga hình thành từ thời Liên Xô, đến nay là khoảng từ 80.000 đến 90.000 người, tính cả sinh viên. Bà con có nhiều hoạt động kinh doanh, buôn bán, sản xuất, khá ổn định.

Họ tham gia sản xuất, phân phối lưu thông, buôn bán hàng hóa, đồ dệt may, thực phẩm và nhiều loại hàng hóa khác. Doanh nghiệp Việt Nam tại Nga khá mạnh. Họ thành lập được những chuỗi sản xuất và cung ứng sản phẩm hoàn thiện với nhiều sản phẩm, từ thực phẩm, đồ uống ăn liền đến cà phê hòa tan.

Doanh nghiệp Việt Nam nổi tiếng với ngành may, với những xưởng lớn nhận nhiều đơn đặt hàng, ví như may quân phục cho quân đội Nga.

Nghề trồng rau của người Việt cũng khá mạnh, với những nông trường lớn, bán nông sản vào các siêu thị Nga. Ngoại ô Moscow có nhiều nhà máy của người Việt Nam sản xuất mì ăn liền, đồ uống không những bán tại thị trường Nga mà còn xuất ra các nước xung quanh.

Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam tại Nga hỗ trợ rất tốt cho hoạt động của Đại sứ quán ta. Bà con còn quan tâm tới đời sống cựu chiến binh Nga, những người từng giúp đỡ ta trong chiến tranh. Doanh nhân thành công ở Nga còn mang kinh nghiệm và tài chính về đầu tư, làm ăn trong nước, thành những tập đoàn rất mạnh.

Điểm nổi bật nhất là cộng đồng Việt Nam tại Nga có tổ chức. Trong cộng đồng cũng có các hội như Hội Doanh nghiệp hay Hội Văn học nghệ thuật... Tất cả đều phối hợp rất nhịp nhàng với Đại sứ quán ta để chăm lo, giữ gìn đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ, giúp đỡ giữa người Việt với nhau. Tôi hi vọng là tới đây, Nga công nhận cộng đồng người Việt là dân tộc thiểu số như ở Cộng hòa Séc.

. Người Nga nhìn nhận, đánh giá Việt Nam như thế nào?

+ Quan hệ Việt - Nga có nền tảng rất tốt là tình cảm mà người Nga dành cho Việt Nam. Tôi từng có thời gian dài học tập và làm việc trong vai trò phóng viên tại Nga, địa bàn bao quát rất rộng bao gồm cả Nga và các nước thuộc Liên Xô trước đây, nên được đi nhiều nơi.

Đấy là khoảng thời gian rất dài, nhiều thuận lợi, với ấn tượng xuyên suốt là tình yêu thương đùm bọc rất lớn của người Nga dành cho Việt Nam.

Tôi vẫn nhớ năm 1973, khi Hiệp định Paris được ký kết, Mỹ chấp nhận rút quân khỏi Việt Nam, người Liên Xô phấn khởi lắm. Có bà lao công quét dọn ký túc xá còn nửa đêm đấm cửa rầm rầm chúc mừng lưu học sinh chúng tôi, chúc mừng Việt Nam.

Hồi còn chiến tranh ấy, nghe báo đài đưa tin về tổn thất, mất mát, khó khăn mà Việt Nam gặp phải, người Nga ai cũng thương. Và ngược lại, mỗi tin thắng trận, ai cũng mừng vui.

. Xin cám ơn những chia sẻ của ông!

NGỌC DIỆP

Nguồn PLO: https://plo.vn/tong-thu-ky-hoi-huu-nghi-viet-nga-hop-tac-giua-hai-nuoc-se-tiep-tuc-sau-sac-hon-post796285.html