Tổng Thư ký LHQ kêu gọi thông qua Hiệp ước Tương lai để giải quyết thách thức toàn cầu
Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres đã kêu gọi các quốc gia đang bị chia rẽ trên toàn cầu thỏa hiệp để thông qua Hiệp ước Tương lai - một kế hoạch nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu từ biến đổi khí hậu, xung đột, đến trí tuệ nhân tạo (AI) và cải cách các tổ chức tài chính quốc tế.
Phát biểu tại một cuộc họp báo ngày 18/9, ông Guterres nhấn mạnh các cuộc thảo luận về Hiệp ước Tương lai đã đến giai đoạn quyết định và việc không đạt được đồng thuận giữa 193 quốc gia thành viên "sẽ là một bi kịch".
Một năm trước, Tổng thư ký LHQ đã cảnh báo về sự tồn vong của nhân loại và hành tinh. Ông triệu tập các nhà lãnh đạo thế giới tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tương lai vào cuối tuần này, với hy vọng đạt được sự nhất trí và hành động để cải tổ LHQ, cũng như các tổ chức được thành lập sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nhằm đối phó với các mối đe dọa toàn cầu mới. Hội nghị diễn ra vào ngày 22 - 23/9, ngay trước khi khai mạc Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng LHQ khóa 79 vào ngày 24/9 tới.
Bản dự thảo Hiệp ước Tương lai dài 30 trang, hiện đang trong lần sửa đổi thứ 4, đã trải qua nhiều tháng thảo luận. Ông Guterres đã đối mặt với những câu hỏi về tầm nhìn của hiệp định này và sự khác biệt so với các văn kiện của LHQ được thông qua trong những năm gần đây, nhưng chưa được thực hiện.
Ông trả lời một cách dứt khoát: "Tất cả những tuyên bố quan trọng trước đây đều nói về những gì cần thiết để đối mặt với các thách thức của thế kỷ 21. Trong khi đó, Hội nghị thượng đỉnh Tương lai bàn về việc thực hiện những thách thức đó, yêu cầu cải cách các tổ chức toàn cầu".
Ông Guterres cho rằng có một "vấn đề nghiêm trọng về quản trị" trong mọi lĩnh vực từ khí hậu đến AI. Dự thảo Hiệp ước Tương lai cảnh báo rằng các nhà lãnh đạo đang tập trung tại LHQ "trong thời điểm chuyển mình sâu sắc toàn cầu" và cảnh giác về "những rủi ro thảm họa và tồn tại gia tăng" có thể đẩy nhân loại vào một tương lai đầy khủng hoảng.
Bản dự thảo đưa ra 51 hành động nhằm giải quyết các vấn đề như xóa đói giảm nghèo, chống biến đổi khí hậu, đạt được bình đẳng giới, thúc đẩy hòa bình và bảo vệ dân thường, cũng như làm mới hệ thống đa phương để tận dụng cơ hội hiện tại và tương lai.
Ông Guterres nhấn mạnh những "bước đột phá tiềm năng" trong hiệp định, bao gồm "ngôn ngữ mạnh mẽ nhất về cải cách Hội đồng Bảo an LHQ trong một thế hệ," cùng với những bước đi cụ thể nhất để mở rộng cơ quan quyền lực 15 thành viên này kể từ năm 1963. Ông cũng đề cập đến các biện pháp đầu tiên để quản lý công nghệ mới, bao gồm trí tuệ nhân tạo, và cam kết tăng nguồn lực cho các nước đang phát triển để đạt được các Mục tiêu phát triển của LHQ vào năm 2030.
Với những mối bất đồng vẫn còn tồn tại, như phản đối từ Nga đối với khoảng 15 vấn đề, cũng như những ý kiến trái chiều từ Saudi Arabia về ngôn ngữ khí hậu, ông Guterres vẫn kêu gọi các quốc gia thành viên thỏa hiệp về Hiệp ước Tương lai. Ông nêu rõ: "Chúng ta không thể tạo ra một tương lai phù hợp cho con cháu bằng những hệ thống được xây dựng cho thời ông bà của chúng ta".
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ Linda Thomas-Greenfield cho biết ưu tiên của Washington tại Hội nghị thượng đỉnh Tương lai năm nay là "tạo ra một hệ thống quốc tế bao trùm và hiệu quả hơn". Bà bày tỏ hy vọng rằng mặc dù còn nhiều khác biệt lớn, nhưng các nước vẫn có thể đạt được đồng thuận.