Tổng Thư ký LHQ lo ngại về các vụ sát hại, bắt cóc ở Nigeria
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres, Luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng đầy đủ, tất cả thường dân Nigeria phải được bảo vệ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ngày 24/12 đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước tình trạng gia tăng các vụ sát hại và bắt cóc dân thường, do một nhóm vũ trang ở bang Borno, Đông Bắc Nigeria thực hiện.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc gửi lời chia buồn sâu sắc nhất đến gia đình các nạn nhân, đồng thời tái khẳng định sự đoàn kết của Liên hợp quốc với người dân và Chính phủ Nigeria.
Theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, trong một cuộc xung đột vũ trang, các hoạt động tấn công của bất cứ bên nào nhằm vào thường dân, nhân viên cứu trợ nhân đạo và cơ sở hạ tầng là vi phạm luật nhân đạo quốc tế.
Những người có liên quan đến các hành động tàn bạo này sẽ phải chịu trách nhiệm và đối mặt với sự lên án từ cộng đồng. Luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng đầy đủ, tất cả thường dân Nigeria phải được bảo vệ.
Trong khi đó, người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujarric cùng ngày cho biết nhiều dân thường đã bị sát hại và bắt cóc ngày 23/12 trên tuyến đường Damaturu-Biu, nối liền hai bang Yobe và Borno.
Theo ông Dujarric, hơn 36.000 người đã bị giết hại kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột tại Nigeria, trong đó có đến 50% số nạn nhân là dân thường.
Liên hợp quốc và các đối tác nhân đạo đã chỉ trích các vụ bạo lực và kêu gọi chính quyền Nigeria nỗ lực tối đa nhằm ngăn chặn bạo lực tiếp diễn, cũng như bảo vệ người dân nước này.
Khu vực Đông Bắc Nigeria chìm trong bất ổn hơn một thập kỷ qua do cuộc nổi dậy của Boko Haram. Khoảng 35.000 người thiệt mạng và gần 2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa và sang các nước láng giềng tị nạn.
Boko Haram tìm cách xây dựng cái gọi là “vương triều Hồi giáo” ở quốc gia đông dân nhất châu Phi này. Hiện tại, nhóm này mở rộng hoạt động sang các nước láng giềng của Nigeria là Cameroon, Cộng hòa Chad và Niger.
Boko Haram đã tách thành hai nhánh, trong đó một nhánh liên kết với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng - còn gọi là nhánh IS khu vực Tây Phi (ISWAP). Nhánh này gồm khoảng 3.000 tay súng, chủ yếu hoạt động ở khu vực Hồ Chad và thường xuyên tấn công các mục tiêu chính quyền, quân sự.
Nhánh còn lại trung thành với thủ lĩnh ban đầu của Boko Haram là Abubakar Shekau và thường thực hiện các vụ khủng bố nhằm vào thường dân, làng mạc, với hình thức chủ yếu là đánh bom liều chết.
Năm 2014, Boko Haram đã gây chấn động dư luận khi thực hiện vụ bắt cóc hàng trăm nữ sinh tại Đông Bắc Nigeria./.