Tổng thư ký Liên Hợp quốc sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 22-10
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ và Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ.
Ngày 20-10, tại cuộc họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, nhận lời mời của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres sẽ đến thăm Việt Nam từ ngày 21 đến 22-10.
Cũng trong dịp này, Tổng thư ký LHQ và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ đồng chủ trì lễ kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ.
Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh kỷ niệm 45 năm Việt Nam gia nhập LHQ và Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, và được bầu làm thành viên Hội đồng Nhân Quyền LHQ nhiệm kỳ 2023-2025, người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh.
Thời gian qua, hợp tác giữa Việt Nam và Liên Hợp quốc không ngừng được củng cố và tăng cường. "Việt Nam tham gia ngày càng chủ động, có trách nhiệm, đóng góp thực chất, sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực, trụ cột của LHQ, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế,"- bà Lê Thị Thu Hằng cho biết.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao, dự kiến trong chuyến thăm, Tổng thư ký LHQ sẽ đến chào Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hội đàm với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, hội kiến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng nhiều hoạt động khác.
Trước đó, trong cuộc gặp ngày 13-10 với Đại sứ Đặng Hoàng Giang, trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, Tổng thư ký Guterres đã chúc mừng Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2023 - 2025, đồng thời xác nhận sẽ thăm chính thức Việt Nam trong năm nay.
Lần gần đây nhất một tổng thư ký LHQ đến Việt Nam là vào tháng 5-2015 dưới thời ông Ban Ki Moon (người Hàn Quốc).
Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã thông tin về việc, từ ngày 1 đến 3-10 vừa qua, tại Campuchia đã diễn ra cuộc họp lần thứ 37 Nhóm công tác chung ASEAN - Trung Quốc về thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC).
Tại cuộc họp này, ASEAN và Trung Quốc đã tiến hành trao đổi về tình hình Biển Đông, việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và việc xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, an ninh, ổn định, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
ASEAN và Trung Quốc nhấn mạnh việc thực hiện tự kiềm chế, không có hành động gây phức tạp tình hình, giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982.
“ASEAN và Trung Quốc cũng bày tỏ mong muốn sớm hoàn thành vòng rà soát thứ hai văn bản đàm phán đơn nhất dự thảo Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC), sớm thông qua một Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông thực chất hiệu lực và phù hợp với Luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, đóng góp vào việc duy trì hòa bình ổn định và an ninh khu vực, thúc đẩy hợp tác và tạo môi trường thuận lợi cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp trên biển Đông”- Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nói.