TỔNG THƯ KÝ QUỐC HỘI, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI BÙI VĂN CƯỜNG KHAI MẠC HỘI NGHỊ TẬP HUẤN VỀ CÔNG TÁC BẢO VỆ BÍ MẬT NHÀ NƯỚC
Thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2022, sáng ngày 24/9, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội tổ chức Hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khai mạc Hội Nghị.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì cuộc họp giao ban với các vụ, đơn vị
Tham dự Hội nghị gồm có: Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương; Phó Cục trưởng, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an - Thiếu tướng Phạm Văn Vinh cùng lãnh đạo quản lý cấp Vụ và tương đương trở lên của Văn phòng Quốc hội, Trợ lý, Thư ký Lãnh đạo Quốc hội; Thư ký, công chức giúp việc các đồng chí Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đại diện lãnh đạo Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, công tác bảo vệ bí mật nhà nước có vai trò quan trọng trong công tác của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến công tác bảo vệ, giữ gìn bí mật của tổ chức, của cách mạng. Người khẳng định cách mạng muốn thành công thì nhất thiết phải giữ gìn được bí mật; Người chỉ ra những khuyết điểm của không ít cán bộ khi vẫn chủ quan, lơ là, mất cảnh giác và xem nhẹ việc này. Cụ thể, không cẩn thận trong việc viết, in, gửi, quản lý và kiểm tra văn kiện bí mật; mang văn kiện bí mật về nhà; xem văn kiện bí mật ở chỗ đông người; ghi chép những việc bí mật vào sổ tay thường của mình; khi viết bài cho báo chí, cũng nói đến việc bí mật… Những sai lầm này dù chủ quan hay khách quan cũng đều làm hại cho cách mạng, ảnh hưởng đến tình hình an ninh - chính trị của đất nước. Vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng yêu cầu mỗi người phải coi việc giữ bí mật là một nghĩa vụ của mình với Tổ quốc; các cơ quan và các đoàn thể cần phải xem trọng giáo dục, nghiêm chỉnh chấp hành và thường xuyên kiểm tra công tác này.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, trong tình hình hiện nay, trước sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nguy cơ bị lộ, lọt hoặc bị đánh cắp bí mật nhà nước càng trở thành vấn đề cấp bách hơn bao giờ hết. Để phòng, chống và khắc phục nguy cơ này, trong thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước ngày càng được hoàn thiện. Quốc hội đã ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 quy định về bí mật nhà nước, hoạt động bảo vệ bí mật nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan. Chính phủ, các Bộ, ngành kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn, qua đó đã góp phần đưa công tác bảo vệ bí mật nhà nước dần đi vào nền nếp, nhận thức của cán bộ công chức, viên chức dần được nâng cao; lãnh đạo các cấp đã quan tâm, chú trọng hơn đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
Đối với việc bảo vệ bí mật nhà nước tại các cơ quan của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường khẳng định, Văn phòng Quốc hội xác định đây là một trong những nội dung quan trọng, cấp thiết và ngay sau khi Quốc hội ban hành Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018, Văn phòng Quốc hội đã triển khai các công việc sau:
Thứ nhất, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội ký ban hành Quyết định số 482/QĐ-VPQH ngày 06/5/2020 về phân công Vụ trưởng Vụ Hành chính thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bí mật nhà nước của Văn phòng Quốc hội và Thông báo số 988/TB-VPQH ngày 13/6/2020 của Văn phòng Quốc hội về việc phân công nhân sự thực hiện nhiệm vụ kiêm nhiệm công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội;
Thứ hai, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định số 1306/QĐ-TTg ngày 26/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Danh mục bí mật nhà nước của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội;
Thứ ba, tại thời điểm Luật Bảo vệ bí mật nhà nước có hiệu lực thi hành, VPQH đã ban hành một số văn bản về triển khai luật như hướng dẫn về thể thức văn bản chứa bí mật nhà nước, thủ tục phát hành văn bản chứa bí mật nhà nước, quản lý hệ thống sổ phát hành văn bản riêng với văn bản chứa bí mật nhà nước; trang cấp máy tính, máy in để thực hiện soạn thảo văn bản chứa bí mật nhà nước;
Thứ tư, ngày 21/9/2022, tại Phiên họp chuyên đề pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế Bảo vệ bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Bên cạnh đó, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho rằng, hệ thống văn bản pháp luật và ý thức của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, trong đó có Văn phòng Quốc hội, ngày càng được nâng lên nhưng trong thực tế tình trạng lộ, mất bí mật nhà nước vẫn phức tạp. Theo thống kê, số vụ lộ, mất bí mật nhà nước còn khá cao. Để xảy ra tình trạng rò rỉ, lộ lọt thông tin nội bộ của cơ quan, đơn vị và thông tin thuộc bí mật nhà nước, ngoài nguyên nhân khách quan do tác động mặt trái của thời đại công nghệ thông tin, số hóa nền kinh tế và mạng xã hội không dễ quản lý, kiểm soát còn xuất phát từ một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa nhận thức đầy đủ, dẫn đến việc thực hiện các quy trình, quy định về bảo vệ bí mật nhà nước còn sơ hở, thiếu sót; chưa nắm vững quy trình soạn thảo, đề xuất, xác định độ mật cho văn bản nên còn lúng túng trong quá trình thực hiện. Công tác thống kê, phân loại, bảo quản, lưu trữ tài liệu mật còn chưa bảo đảm theo quy định.
Để thực hiện tốt các quy định của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 và các văn bản hướng dẫn thực hiện, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đánh giá cao việc tổ chức lớp tập huấn này nhằm tăng cường công tác bảo vệ bí mật nhà nước, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại các đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội. Đồng thời, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề nghị các đồng chí quan tâm một số nội dung sau: Báo cáo viên truyền đạt các nội dung ngắn gọn, súc tích, gắn liền với thực tiễn trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước và vai trò, trách nhiệm của các đồng chí lãnh đạo trong công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại cơ quan, đơn vị. Sau buổi tập huấn, các đồng chí Trưởng các đơn vị tổ chức quán triệt sâu sắc, phổ biến các quy định của Luật Bảo vệ bảo vệ bí mật nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành tại đơn vị; thực hiện đúng các quy định và chủ động kiểm tra, rà soát nhằm bảo đảm thực hiện tốt công tác bảo vệ bí mật nhà nước, giữ gìn an ninh, an toàn, phòng, chống các hành vi xâm phạm bí mật nhà nước trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe Phó Cục trưởng Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an Thiếu tướng Phạm Văn Vinh giới thiệu những vấn đề trọng tâm của Luật Bảo vệ Bí mật Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; tình hình thực tế triển khai công tác bảo vệ bí mật nhà nước cũng như những vấn đề cần lưu ý, thận trọng trong quá trình làm việc vô tình vi phạm bảo vệ bí mật nhà nước; quy trình của công tác tài liệu mật, thời hiệu cũng như công tác giải mật...
Tổng kết Hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương đánh giá cao sự cố gắng và tinh thần tích cực tham gia Hội nghị tập huấn về công tác bảo vệ bí mật nhà nước của các đồng chí. Nhấn mạnh, công tác bảo vệ bí mật nhà nước là một trong những nội dung quan trọng trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia. Do đó, như ý kiến chỉ đạo, giao nhiệm vụ của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tại Lễ khai mạc, nhằm đưa công tác bảo vệ bí mật nhà nước đi vào nền nếp, hiệu quả đặc biệt trong điều kiện làm việc trong môi trường số như hiện nay.
Thay mặt lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và Ban Thường vụ Đảng ủy cơ quan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội Trịnh Giáng Hương đề nghị, các đồng chí lãnh đạo vụ tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tới công chức, viên chức, người lao động để nắm chắc và thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Nghiêm túc thực hiện quy định “Các hành vi bị nghiêm cấm trong bảo vệ bí mật nhà nước”, đặc biệt là việc soạn thảo, lưu giữ tài liệu có nội dung bí mật nhà nước trên máy tính hoặc các thiết bị đã kết nối hoặc đang kết nối mạng Internet, mạng máy tính, mạng viễn thông; truyền đưa bí mật nhà nước trên các phương tiện thông tin, viễn thông trái với quy định của pháp luật về cơ yếu...
Bên cạnh đó, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy cơ quan Văn phòng Quốc hội nhấn mạnh, việc tổ chức lớp bồi dưỡng có ý nghĩa quan trọng trong việc cập nhật cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của các đồng chí là Trợ lý, Thư ký, công chức giúp việc cho Lãnh đạo Quốc hội, các đồng chí Lãnh đạo quản lý trong công tác Bảo vệ bí mật nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả công tác trong thời gian tới.
Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-van-phong-quoc-hoi.aspx?itemid=68791