Tổng thư ký VASEP: Đầu tư nuôi tôm công nghệ cao có thể đem lại cho GDP hàng nghìn tỷ đồng
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), việc ứng dụng công nghệ cao là một động lực để xuất khẩu thủy sản Việt Nam tạo đột phá...

Ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025. Ảnh: Tri Phong.
Phát biểu tại Diễn đàn Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2025 vào chiều 8/7, ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), đánh giá với việc nhiều chuỗi cung ứng thủy, hải sản trong nước đã hình thành hoàn chỉnh trong một khoảng thời gian dài, việc chuyển hướng sang việc áp dụng công nghệ cao trong nuôi trồng tôm có thể là một cách để ngành thủy sản Việt Nam đạt bước đột phá về doanh thu, đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế 2 con số của cả nước.
NUÔI TÔM CÔNG NGHỆ CAO CÓ THỂ ĐEM LẠI LỢI NHUẬN ĐẾN 50%
Theo đó, việc đầu tư nuôi tôm công nghệ cao đang tăng trưởng mạnh mẽ, giúp tạo lợi thế cạnh tranh cho Việt Nam. Nhiều nước phát triển mạnh về nuôi tôm cũng chưa thể xây dựng được ngành nuôi tôm công nghệ cao hoàn thiện.
Đại diện VASEP cho biết với mỗi ha nuôi tôm công nghệ cao trên mặt đất cần chi phí đầu tư khoảng 2 tỷ đồng. Tuy nhiên, diện tích trên trong điều kiện bình thường của ngành tôm sẽ tạo ra doanh thu 3 tỷ đồng.
“Nếu chỉ cần đầu tư đến ngưỡng đang mong đợi là 100.000 ha thì ngành nuôi tôm công nghệ cao có thể tạo ra con số ấn tượng, đóng góp vào GDP”, ông Nam nhận định. Theo đó, nhằm phát triển ngành nuôi tôm công nghệ cao, đại diện VASEP đã đề xuất Nhà nước hỗ trợ lãi suất vay ở mức 2% cho 3 năm đầu tiên và 5% cho suốt dòng đời.
Ông đánh giá đây là mức hợp lý khi ở nhiều quốc gia khác đang cạnh tranh với ngành tôm của Việt Nam, mức lãi suất cho vay đang tiệm cận mức 0% khi đầu tư nuôi tôm công nghệ cao.
Ngoài ra, để tận dụng hết lợi thế của ngành nuôi tôm, VASEP cũng đề xuất Chính phủ tháo gỡ các hạn điền và thu hồi đất hoang. Ngày nay có rất nhiều khu đất có tiềm năng sử dụng để nuôi tôm nhưng đang bị bỏ hoang. Tình trạng này đã được nhiều doanh nghiệp hội viện phản ánh với VASEP
Theo ông Nam, việc sửa đổi luật pháp để tận dụng những vùng đất bỏ hoang sẽ mang lại cơ hội việc làm cho bà con nông ngư dân, hơn nữa sẽ sẽ mang về ngoại tệ cho Việt Nam.
CẦN ĐỘNG LỰC GIÚP XUẤT KHẨU THỦY SẢN VƯỢT NGƯỠNG 9-11 TỶ USD
Bên cạnh hoạt động sản xuất, nuôi tôm, việc mở rộng thị trường và tăng cường khai thác tiềm năng tiêu thụ sản phẩm này tại những thị trường truyền thống cũng là một vấn đề được nêu ra tại Diễn đàn.
Thực tế cho thấy trong ít nhất 5 năm gần đây, ngành thủy sản luôn nằm trong top 8 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Tuy nhiên, kim ngạch trong khoảng thời gian này cũng chỉ dao động ở mức 9-11 tỷ USD.
“Cần phải có động lực mới, động lực khác hơn cho ngành thủy sản”, ông Nam nhấn mạnh.
Một thị trường đáng chú ý được ông nêu ra là Hàn Quốc, quốc gia nhập khẩu hơn 1 tỷ USD sản phẩm thủy sản từ Việt Nam mỗi năm. Tuy nhiên, tiềm năng xuất khẩu vẫn còn nhiều khi hiệp định thương mại tự do giữa 2 nước hiện chỉ áp định mức nhập khẩu với mức thuế ưu đãi ở mức 15,000 tấn. Nếu vượt quá mức này thì phải trải qua cơ chế đấu thầu giữa các nhà nhập khẩu và không còn được hưởng thuế ưu đãi.
So sánh với Chile, nước vừa ký hiệp định thương mại với Hàn Quốc mà không có điều khoản về định mức nhập khẩu, đại diện VASEP đã kêu gọi Chính phủ có biện pháp đàm phán để giúp các doanh nghiệp thủy sản thâm nhập sâu hơn vào thị trường còn nhiều dư địa này.
Bên cạnh đó, đại diện ngành thủy sản cũng kêu gọi Chính phủ có những biện pháp ngoại giao kinh tế và xúc tiến thương mại để đưa sản phẩm của Việt Nam thâm nhập những thị trường mới như khu vực Trung Đông, Trung Nam Mỹ và đặc biệt là các thị trường mới nổi mà Việt Nam mới ký hiệp định như Anh và Australia.
Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Nam tin tưởng rằng với nhiều chuỗi cung ứng đã được hình thành gắn liền với các yếu tố xanh, công nghệ cao, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng, ngành thủy sản Việt Nam hoàn toàn có cơ hội thâm nhập các thị trường lớn, mang được cái sản vật của bà con nông ngư dân đến siêu thị của các quốc gia phát triển.