Thể chế, đất đai, niềm tin - đòn bẩy cho tăng trưởng hai con số

Để hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm nay và tiến tới hai con số trong giai đoạn tới , Việt Nam cần đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có ba trụ cột then chốt: thể chế minh bạch, chính sách đất đai hợp lý và niềm tin vững chắc từ cộng đồng doanh nghiệp.

Cơ hội, thách thức đan xen

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm nay, GDP nước ta tăng trưởng 7,52%, mức cao nhất trong 15 năm qua. Đây là nền tảng quan trọng để tạo đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn trong những năm tiếp theo.

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để bứt phá, tăng trưởng kinh tế hai con số. Ảnh: Quang Quý

Việt Nam đang đứng trước một cơ hội lịch sử để bứt phá, tăng trưởng kinh tế hai con số. Ảnh: Quang Quý

Ông Đặng Đức Anh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Chiến lược nhận định: Việt Nam đang có ba động lực tăng trưởng rõ nét. Thứ nhất là khu vực công nghiệp - xây dựng, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp hỗ trợ. Những lĩnh vực này còn dư địa rất lớn để bứt phá nếu được ứng dụng mạnh mẽ công nghệ 4.0, tự động hóa và chuyển đổi số. Hạ tầng xây dựng, với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm như đường cao tốc, cảng biển, sân bay, cũng sẽ tạo lực đẩy đáng kể.

Động lực thứ hai là khu vực dịch vụ, nhất là trong các ngành du lịch, thương mại điện tử, vận tải - kho bãi và tài chính. Nông nghiệp, vốn được xem là trụ đỡ của nền kinh tế, vẫn còn nhiều cơ hội phát triển, cả trong sản xuất lẫn xuất khẩu.

Động lực thứ ba đến từ các địa phương - nơi tiềm năng phát triển vẫn còn rất lớn, nhất là tại những khu vực có lợi thế về hạ tầng, nhân lực và tài nguyên. Yếu tố này càng trở nên nổi bật khi Đảng và Chính phủ đang đẩy mạnh cải cách thể chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại địa phương để mở rộng không gian phát triển.

Tuy nhiên, dù có các động lực tăng trưởng rõ nét, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc; cơ cấu kinh tế và mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu còn chậm; năng lực xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp trong nước còn thấp, giá trị gia tăng từ xuất khẩu chưa cao. Các động lực tăng trưởng mới như chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, trí tuệ nhân tạo (AI), năng lượng mới... vẫn chưa hình thành rõ ràng.

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung cũng chỉ ra các điểm nghẽn trong hệ thống pháp luật, còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tính khả thi, gây ra gánh nặng tuân thủ cho doanh nghiệp và người dân, đồng thời chưa tạo động lực cho đổi mới sáng tạo và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực, cũng cho rằng năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn thấp, tiềm ẩn nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình. Bên cạnh đó, nền kinh tế ngày càng dễ bị tổn thương do phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu và đầu tư nước ngoài, trong khi mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu vẫn ở mức thấp; đồng thời chịu tác động nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu…

Hỗ trợ doanh nghiệp và gỡ nút thắt đất đai

Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), nhận định: muốn đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay và hai con số trong những năm tiếp theo, mọi ngành đều phải đóng góp tích cực, đặc biệt là bất động sản và xây dựng, với tỷ trọng chiếm từ 10% đến 12% trong GDP. Tuy nhiên, ngành này đang đối mặt với thách thức lớn về giá đất - một vấn đề nhức nhối, tạo ra vòng luẩn quẩn "giá nhà theo giá đất, giá đất đuổi giá nhà".

Do vậy, VACC đề nghị sớm ban hành bảng giá đất trên toàn quốc với nguyên tắc xây dựng hợp lý, cân bằng giữa yêu cầu thu ngân sách và mục tiêu kích thích phát triển kinh tế; đồng thời, xem xét, điều chỉnh những bất cập trong quy định về định giá đất. Cùng với đó, phân cấp triệt để cho địa phương trong quản lý đất đai; quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất phải đồng bộ cả về thời gian lẫn khối lượng.

Để đạt tăng trưởng hai con số, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse, cho rằng, Nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các ngành nghề mới, nhất là những ngành công nghệ cao. Vai trò đồng hành của Nhà nước cần thể hiện rõ nét hơn trong giai đoạn khởi động, nhằm giúp doanh nghiệp xác lập lợi thế cạnh tranh. Những chính sách ưu đãi về thuế, hỗ trợ ban đầu về thị trường, công nghệ hay vốn sẽ là đòn bẩy quan trọng giúp doanh nghiệp Việt đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Theo ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, đóng góp khoảng 80% việc làm trong khu vực kinh tế tư nhân và không dưới 20% GDP. Khu vực này cần được tạo điều kiện tốt hơn để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng. Vì vậy, cần dành ít nhất 30% các dự án đầu tư công cho doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ thêm về vốn thông qua các đơn vị tài chính trung gian, chẳng hạn như các quỹ đầu tư thử nghiệm (sandbox) cho mô hình fintech và ngân hàng số… với lãi suất thấp hơn và điều kiện phê duyệt đơn giản hơn.

“Phải mạnh tay xử lý tình trạng tham nhũng, lãng phí và dẹp bỏ cơ chế xin – cho vẫn đang tồn tại. Cần có chế độ thưởng – phạt minh bạch, bình đẳng giữa cơ quan công quyền và doanh nghiệp. Khi môi trường kinh doanh được cải thiện thực chất, mục tiêu tăng trưởng hai con số hoàn toàn khả thi”, ông Thân nhấn mạnh.

Điều quan trọng là phải nuôi dưỡng niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp, niềm tin ấy sẽ là động lực để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất và đổi mới sáng tạo, bà Mai Kiều Liên, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk), nói. Từ đó, bà đề nghị Chính phủ tiếp tục cải cách hệ thống văn bản pháp lý hiện còn nhiều chồng chéo, bất cập. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế “lắng nghe và chia sẻ” từ phía các cơ quan chức năng, nhất là trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn do biến động thị trường và chi phí sản xuất gia tăng.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/the-che-dat-dai-niem-tin-don-bay-cho-tang-truong-hai-con-so-10379357.html