Tổng tuyển cử ở Tây Ban Nha: Lần đường gỡ rối
Liệu cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn diễn ra ngày 10/11 ở Tây Ban Nha có tháo gỡ được thế bế tắc chính trị kéo dài nhiều tháng qua ở nước này hay không?
Đây là cuộc bầu cử thứ tư trong 4 năm, và chính trường Tây Ban Nha cũng bất ổn suốt thời gian qua, khi các đảng nhỏ bất ngờ trỗi dậy phá tan truyền thống chính trị chỉ có 2 đảng tả hữu thay nhau cầm quyền. Tương lai của Tây Ban Nha rất khó đoán định trong bối cảnh các lực lượng chính trị ở đất nước “xứ sở bò tót” đang trong tình trạng bị phân mảnh và rời rạc.
Có 6 chính đảng chủ chốt tham gia cuộc tổng tuyển cử lần này: thứ nhất là đảng Công nhân Xã hội (PSOE) của Thủ tướng tạm quyền Pedro Sanchez; thứ hai là đảng Nhân dân (PP) theo đường lối bảo thủ của ông Pablo Casado Páp-lô; thứ ba là đảng cực hữu Vox; thứ tư là đảng cánh tả Unidas Podemos (UP) của nhà lãnh đạo Pablo Iglesias; thứ năm là đảng Ciudadanos (Cs) và thứ sáu là đảng Mas Pais, vốn ly khai từ đảng UP.
Theo tính toán của tạp chí El Pais dựa vào kết quả hơn 10 cuộc thăm dò dư luận gần đây nhất, đảng PSOE dự kiến sẽ dẫn đầu và giành được khoảng 117 ghế tại hạ viện, giảm so với mức 123 ghế trong cuộc bầu cử hồi tháng Tư vừa qua. Đối thủ của PSOE là đảng PP sẽ xếp ở vị trí thứ hai với 92 ghế, tăng mạnh so với 66 ghế trong cuộc bầu cử trước. Còn đảng cực hữu Vox dự kiến về thứ ba với 46 ghế trong quốc hội, tăng gấp đôi so với trước, vượt lên cả đảng cánh tả Podemos và đảng trung hữu Ciudadanos.
Hầu hết các nhà phân tích dự đoán trong cuộc tổng tuyển cử lần này, không phe nào có thể giành đủ đa số ghế cần thiết 176 ghế tại Hạ viện để có thể tự đứng ra lập chính phủ. Quốc hội Tây Ban Nha dự kiến sẽ vẫn tiếp tục ở trong tình trạng phân mảnh, rời rạc.
Ông Sanchez được cho sẽ giành thắng lợi một lần nữa nhưng vẫn không thu thập đủ đa số ghế ủng hộ trong quốc hội. Đến thời điểm hiện nay, vẫn chưa hề có dấu hiệu cho thấy có bất kỳ nhóm đảng nào sẵn lòng ủng hộ ông Sanchez, dù một sự ủng hộ như vậy luôn kèm theo những mặc cả về chính trị.
Kể từ khi giành thắng lợi trong cuộc tổng tuyển cử trước thời hạn hồi tháng 4 cho đến gần cuối tháng 9 năm nay, đảng PSOE của ông Sanchez vẫn không thể thành lập được chính phủ do chỉ có được 123 ghế trong tổng số 350 ghế tại hạ viện. Kết quả này đã buộc ông Sanchez phải tìm kiếm sự ủng hộ của các chính đảng khác để có thể được phê chuẩn trở thành Thủ tướng chính thức của Tây Ban Nha.
PSOE lúc đó cần 42 ghế của đảng Unidas Podemos để có cơ hội thành lập liên minh cầm quyền. Vòng đàm phán giữa đảng PSOE và đảng Unidas Podemos hôm 10/9 đã thất bại. PSOE và Unidas Podemos đã không gạt bỏ được bất đồng để đạt được thỏa thuận về việc thành lập một chính phủ liên minh, khiến Hoàng gia Tây Ban Nha phải ra quyết định tổ chức tổng tuyển cử trở lại.
Trong cuộc bầu cử lần này, có lẽ kịch bản tốt nhất đối với ông Pedro Sanchez là quay lại đàm phán với đảng cánh tả Unidas Podemos nếu như PSOE giành được thắng lợi đúng như dự báo. Tuy nhiên, lãnh đạo đảng Unidas Podemos, ông Pablo Iglesias vẫn giữ quan điểm phải được tham gia vào chính phủ liên minh, điều mà ông Sánchez đã từ chối.
Nếu PSOE bắt tay với đảng PP, liên minh này sẽ có đủ đa số ghế trong quốc hội. Tuy nhiên, cả hai đảng đều đã từng công khai loại trừ một thỏa thuận “đại liên minh” như vậy. Trong 4 năm qua, các cuộc bầu cử ở Tây Ban Nha đều đưa đến các chính phủ thiểu số, hoặc bị “chết yểu” do các nhà lãnh đạo chính trị phải vật lộn để thích ứng trước sự trỗi dậy của các chính đảng mới, vốn là nguyên nhân chấm dứt tình trạng luân phiên thống trị của đảng PP hoặc đảng PSOE trong thời gian trước đây.
Một kịch bản khác là ông Sanchez có thể tìm kiếm sự hỗ trợ để thành lập một chính phủ thiểu số. Điều rõ ràng hiện nay là các chính trị gia Tây Ban Nha bằng cách nào đó phải tìm ra được “công thức” nhằm thành lập một chính phủ ổn định, có khả năng thúc đẩy thông qua các chính sách quan trọng của đất nước vốn đang bị đình trệ lâu nay, như kế hoạch ngân sách mới.
Để thực hiện mục tiêu này, ông Sanchez đã bác bỏ ý tưởng đại liên minh với đảng PP, song lại đề nghị PP và Ciudadanos xem xét khả năng thực hiện động tác “không bỏ phiếu” trong phiên phê chuẩn chức thủ tướng của ông tại hạ viện nếu PSOE lại thắng cử. Tuy nhiên, đảng PP khó có thể chấp nhận đề nghị như vậy.
Đa số các nhà phân tích nhận định Tây Ban Nha nhiều khả năng sẽ lại rơi vào tình trạng phải duy trì một chính phủ tạm thời trong vòng nhiều tháng tiếp sau cuộc bầu cử, trong khi chờ các chính đảng đàm phán để đi đến một thỏa thuận. Một số ý kiến cho rằng các chính đảng cần phải “sáng tạo”, vượt ra ngoài các liên minh truyền thống nhằm tìm cách thành lập một chính phủ.
Cuộc bầu cử lần này ở Tây Ban Nha diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở vùng Catalonia vẫn chưa chấm dứt và đảng Vox có quan điểm cực hữu đang trỗi dậy. Bên cạnh đó, một điểm khá quan trọng khác là Tây Ban Nha cũng đang đối mặt với triển vọng kinh tế bất ổn với tăng trưởng đang chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao thứ hai trong Liên minh châu Âu (EU). Mặc dù nền kinh tế Tây Ban Nha đã có sự phục hồi ngoạn mục kể từ khi diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nhưng để đạt được mức tăng trưởng ổn định, bền vững cần phải có thêm thời gian.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Tây Ban Nha sẽ tăng trưởng ở mức dưới 2% vào năm tới và đây sẽ là lần đầu tiên kinh tế nước này đạt mức tăng trưởng thấp như vậy kể từ năm 2014. Chính phủ Tây Ban Nha dự kiến nền kinh tế lớn thứ năm châu Âu này sẽ tăng trưởng 2,1% trong năm nay, thấp hơn so với dự báo 2,2% trước đó, và năm sau là 1,8%, từ dự báo 1,9%. Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Tây Ban Nha năm 2019 và 2020 xuống lần lượt 1,1% và 1,2%.
Ngoài sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu, tình hình đầy bất ổn ở Catalonia cũng là một nhân tố gây ảnh hưởng đến nền kinh tế Tây Ban Nha do những căng thẳng chính trị tiếp diễn giữa chính quyền địa phương, lực lượng có quan điểm ly khai với chính quyền trung ương ở Madrid. Catalonia chiếm tới 19% nền kinh tế Tây Ban Nha và đây được coi là vùng có nền kinh tế lớn nhất nước..
Ngành du lịch Tây Ban Nha đã bị tác động mạnh do lượng khách từ các nước châu Âu giảm sút. Thêm vào đó, một số vùng ở Tây Ban Nha, nhất là ở miền Bắc, cũng chứng kiến tình trạng xuất khẩu sụt giảm. Tây Ban Nha chưa đứng trước nguy cơ rơi vào tình trạng suy thoái, nhưng triển vọng kinh tế chậm lại đang khiến người ta liên tưởng đến “bóng ma” khủng hoảng.
Khá nhiều ý kiến cho rằng tình trạng bất ổn chính trị ở Tây Ban Nha vẫn chưa thể sớm chấm dứt sau cuộc tổng tuyển cử lần này. Tuy nhiên, nếu các chính đảng ở Tây Ban Nha đạt được “bước đột phá” và đi đến thỏa thuận thành lập một chính phủ “đa số”, sự bất ổn sẽ dần được giải quyết và nền kinh tế nước này mới có cơ hội cất cánh, thoát khỏi nguy cơ suy thoái trở lại trước những tác động của Brexit, sự chậm lại của nền kinh tế toàn cầu hay căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Đây là điều đang được dư luận mong đợi cho dù khả năng đó là khá mong manh.