Tổng tuyển cử tại Nhật Bản: Cần hơn một chiến thắng

Cuộc tổng tuyển cử sắp tới tại Nhật Bản sẽ là bài kiểm tra khó dành cho liên minh cầm quyền của đảng Dân chủ Tự do (LDP) và đảng Công minh (Komeito).

Ông Ishiba Shigeru (giữa) cùng các thành viên đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, sau khi được bầu là Chủ tịch Đảng, ngày 30/9. (Nguồn: AFP-JIJI)

Ông Ishiba Shigeru (giữa) cùng các thành viên đảng Dân chủ Tự do cầm quyền, sau khi được bầu là Chủ tịch Đảng, ngày 30/9. (Nguồn: AFP-JIJI)

Ngày 27/10, cử tri trên khắp đất nước Mặt trời mọc sẽ bỏ phiếu bầu 465 nghị sĩ Hạ viện, bao gồm 289 ghế bầu trực tiếp theo khu vực bầu cử và 176 ghế của đại diện theo tỷ lệ. Liệu lịch sử một lần nữa gọi tên LDP, hay người dân xứ sở hoa anh đào sẽ chứng kiến một cơn địa chấn như năm 2009?

Vùng nguy hiểm

Để có câu trả lời, cần hiểu rõ bối cảnh và diễn biến về sự kiện đặc biệt này. Trước hết, lần gần đây nhất Nhật Bản tổ chức tổng tuyển cử là ngày 31/10/2021, hơn một tháng sau khi ông Kishida Fumio thay ông Suga Yoshihide làm Thủ tướng Nhật Bản. Tại đây, đảng LDP và nhà lãnh đạo mới giành chiến thắng cần thiết để duy trì đa số tại Hạ viện, ngay cả khi đảng này mất đi 25 ghế so với tổng tuyển cử năm 2017.

Lịch sử đang lặp lại. Ngay khi thay ông Kishida Fumio làm Thủ tướng ngày 1/10, ông Ishiba Shigeru đã kêu gọi tổng tuyển cử, qua đó thực hiện cam kết khi chạy đua vào vị trí Chủ tịch LDP. Tám ngày sau, Hạ viện giải tán. Như vậy, chính phủ của ông Ishiba đã phá kỷ lục về thời gian tồn tại ngắn nhất trong lịch sử Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II. Đâu là lý do khiến LDP và ông Ishiba sốt sắng tới vậy?

Không khó để thấy rằng, tăng trưởng kinh tế chưa đạt kỳ vọng, lạm phát cao, các vấn đề xã hội như suy giảm dân số và bình đẳng giới, cùng với môi trường an ninh khu vực và thế giới đầy bất ổn và đặc biệt là bê bối về gây quỹ chính trị đã tác động mạnh tới tỷ lệ ủng hộ của cử tri dành cho đảng này. Khảo sát công bố ngày 20/10 của Hãng Kyodo News cho thấy tỷ lệ ủng hộ nội các ở mức 41% song đáng chú ý, khảo sát tháng 10 của Nhật báo Asahi Shimbun và ngày 17/10 từ Hãng Jjji Press cho ra kết quả lần lượt là 33% và 28%.

Đây là những con số đáng báo động, bởi các quan chức LDP cho rằng tỷ lệ ủng hộ dưới 30% là “vùng nguy hiểm”. Theo hai khảo sát này, lần lượt 39% và 30,1% số người được hỏi không ủng hộ nội các hiện nay. Ngoài ra, theo Kyodo News, chỉ 22,6% và 24,6% số người được hỏi sẽ bỏ phiếu cho ứng viên của LDP vào ghế nghị sĩ đại diện theo tỷ lệ và ghế nghị sĩ của khu vực bầu cử.

Ở chiều ngược lại, khảo sát cho thấy các cử tri đang ngày càng ủng hộ các đảng đối lập. Theo Kyodo News, 14,1% cử tri có thể bỏ phiếu ủng hộ ứng viên đảng Dân chủ lập hiến Nhật Bản (CDPJ) vào ghế nghị sĩ đại diện theo tỷ lệ. Đặc biệt, 33,2% cho biết sẽ bỏ phiếu cho ứng viên của đảng đối lập vào ghế nghị sĩ của khu vực bầu cử, vượt qua tỷ lệ của LDP. Tương tự, theo số liệu của Jiji Press, có tới 36% số người được hỏi bày tỏ sự tin tưởng vào Chủ tịch CDPJ, cựu Thủ tướng Noda Yoshihiko.

Trong bối cảnh đó, “thay tướng” và tổ chức tổng tuyển cử chóng vánh là cách LDP cải thiện hình ảnh và củng cố vị thế cầm quyền trước vô vàn thách thức hiện nay. Theo nhận định của Giáo sư Taniguchi Tomohiko, cố vấn đặc biệt tại Trung tâm nghiên cứu tương lai Fujitsu và giáo sư tại Đại học Tsukuba, nếu LDP có thể chiến thắng, lãnh đạo đảng, bao gồm ông Ishiba, mong rằng nó sẽ xóa sạch ảnh hưởng từ vụ bê bối gây quỹ, vốn đeo bám đảng suốt thời gian qua.

Về phần mình, phát biểu ngày 17/10, Thủ tướng Ishiba thừa nhận: “Đây là cuộc bầu cử vô cùng khó khăn. Chúng ta đối mặt với cơn gió lớn chưa từng có”. Ông mong cử tri tha thứ cho LDP sau vụ bê bối gây quỹ. Trong khi đó, Chủ tịch đảng liên minh cầm quyền Công minh Ishii Keiichi cho biết các nghị sĩ vi phạm “đã giải thích với cử tri địa phương và cam kết không mắc sai lầm nữa”.

Khó có địa chấn

Song thực tế cho thấy dù tỷ lệ ủng hộ LDP đã giảm mạnh, nhiều cử tri vẫn cho rằng một chính phủ do đảng này lãnh đạo là cần thiết. Cụ thể, khảo sát ngày 17/10 của tờ Mainichi Shimbun (Nhật Bản) cho thấy LDP có thể giành 203-250 ghế, còn Komeito là 24-29 ghế. Ngược lại, đảng CDPJ đối lập có thể chiếm 117-163 ghế, cao hơn nhiều so với 98 ghế hiện nay. Đảng Nippon Ishin đạt 28-34 ghế, giảm ghế so với trước.

Khảo sát cùng tuần của Jiji Press bi quan hơn khi cho rằng dù vẫn chiến thắng, LDP sẽ không có đa số (233 ghế) để tự thành lập chính phủ, mục tiêu ông Ishiba đề ra. Kết quả từ Asahi Shimbun thậm chí đánh giá LDP, hiện có 247 ghế nghị sĩ Hạ viện, có thể mất tới 50 ghế; trong số đó, 40 ghế đến từ khu vực bầu cử và 10 ghế đại diện theo tỷ lệ.

Nếu kịch bản trên thành sự thật, đây sẽ là lần đầu tiên đảng này đánh mất đa số tại Hạ viện kể từ địa chấn chính trị năm 2009. Cũng theo khảo sát này, Komeito, đảng liên minh của LDP, khó giữ đủ 32 ghế nghị sĩ tại Hạ viện hiện nay. Trong khi đó, CDPJ có thể giành tới 140 ghế, qua đó thu hẹp khoảng cách tại Hạ viện và “phả hơi nóng” vào vị thế cầm quyền của liên minh hai đảng nêu trên.

Xét cho cùng, sẽ khó có cơn địa chấn chính trị nào tại xứ sở Mặt trời mọc ngày 27/10. Dù là kịch bản nào, khả năng cả LDP và Komeito sẽ mất nhiều ghế nghị sĩ vào tay các đảng đối lập. Trong bối cảnh đó, chiến thắng mới là điều kiện cần, song chưa đủ để liên minh này khôi phục niềm tin của cử tri Nhật Bản sau bê bối chính trị vừa qua và thách thức kinh tế - xã hội - an ninh hiện nay.

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tong-tuyen-cu-tai-nhat-ban-can-hon-mot-chien-thang-291241.html